Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 5/2/2013 22:31'(GMT+7)

Xuân về trên vùng đất…“chết”

Gạo một bụi đỏ đem lại cuộc sống ấm no cho bà con Hồng Dân (Bạc Liêu).

Gạo một bụi đỏ đem lại cuộc sống ấm no cho bà con Hồng Dân (Bạc Liêu).



Chinh phục thiên tai khắc nghiệt
Chiếc ca nô len lỏi qua nhiều kênh rạch chằng chịt gần một giờ đồng hồ đưa chúng tôi đến nhà ông Lâm Quốc Nam (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi). Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà tường ba gian đồ sộ, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, lúa chất cao ngút nhà…Đây là một “sự kiện” lạ, gây ngạc nhiên cho nhiều người vì xung quanh vẫn còn cỏ dại, lau sậy, năn tượng, rừng tràm bát ngát, dưới kênh thì nước phèn đỏ lòm...mà lại trồng được lúa. Ông Nam năm nay đã bước qua tuổi 60 cũng là ngần ấy năm ông sống ở vùng đất này nhưng đây là năm thứ 2 trong đời của ông cũng là năm thứ 2 vùng đất này trồng được lúa.

Ông Nam nhớ lại, sau 10 năm đầu giải phóng, vùng đất này chỉ là cánh đồng cỏ năn tượng, rừng tràm, nước nhiễm mặm, phèn đến nỗi không có loại cá nào sống được. Để có cái ăn cái mặc, người dân nơi đây trồng cây tràm, cây khóm (dứa), nhổ đọt năn non đem ra chợ bán. Hơn 20 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển dịch sản xuất, người dân phá tràm, bỏ khóm, đưa nước mặm vào nuôi tôm. Những năm đầu trúng tôm, cuộc sống người dân tạm ổn nhưng những năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nuôi tôm thất bát, giá tôm nguyên liệu sụt giảm liên tục, dẫn đến cuộc sống người dân khó khăn.

Trước khó khăn đó, thực hiện chủ trương đa cây đa con trên cùng một diện tích canh tác, gia đình ông Nam góp tiền, công sức san lấp 7 ha đất đưa vào áp dụng sản xuất theo mô hình lúa - tôm kết hợp. Vụ đầu, năm 2011-2012 ông còn “bán tính bán nghi” chỉ sản xuất thử nghiệm vài ngàn m2 trồng lúa nhưng hiệu quả thật bất ngờ. Vì vậy vụ 2012-2013, ông quyết định gieo cấy 4 ha lúa trên đất nuôi tôm và đã có vụ mùa bội thu. Vụ này, gia đình ông thu hoạch với năng suất khoảng 6 tấn/ha. Kết quả này không chỉ có gia đình ông Nam mà hàng trăm hộ dân ngỡ ngàng vì trước đây họ nằm mơ cũng dám nghĩ tới. Giờ đây, lợi nhuận con tôm cây lúa mang lại từ vài chục triệu đến vài trăm triệu mỗi năm của mỗi hộ dân vùng đất này không còn hiếm, tỷ lệ hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu tăng lên từng ngày.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thái, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, phấn khởi: Trồng cây lúa trên vùng đất nhiễm phèn, mặn không chỉ là mơ ước của người dân mà của cả chính quyền nơi đây. Trước đây, nhằm hạn chế rủi ro trong nuôi tôm, người dân phải trồng cỏ năn tượng để cải thiện môi trường đất, nước, tạo thức ăn cho tôm. Nay trồng được cây lúa, không chỉ giúp cải tạo tốt môi trường sinh thái mà người dân chủ động sản xuất, có lúa gạo ăn quanh năm, không còn sợ đói khi tôm nuôi thất mùa.

Đột phá trong sản xuất

Xác định đúng điều kiện, thổ nhưỡng của vùng đất khắc nghiệt, xã Ninh Thạnh Lợi A xác định giải pháp “đi lên” không còn con đường nào khác là phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn cây- con phù hợp.

Theo đó, ngay từ những năm 1990 - 2000, huyện, xã quyết định chuyển một phần đất kém hiệu quả sang sản xuất theo mô hình nuôi tôm, tôm - lúa kết hợp. Tuy nhiên, qua hàng chục năm, còn nhiều vùng đất không thể trồng lúa xen canh với tôm bởi hệ thống điều tiết nước còn bất cập, không đủ nước ngọt cho cây lúa sinh trưởng, đặc biệt là chưa tìm ra được giống lúa nào chịu mặn. Từ thực tế này, lãnh đạo huyện Hồng Dân “cầu cứu” đến các chuyên gia, nhà khoa học. Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân cho biết: Năm 2011, địa phương liên kết với các chuyên gia Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ lai tạo, ứng dụng lúa Sỏi - một loại lúa chịu mặn đến 10 phần ngàn vào sản xuất. Từ 4kg giống lúa Sỏi, đến nay huyện nhân rộng ra hàng trăm héc-ta. Bước đầu, cho thấy loại lúa trên thích hợp với vùng đất này, là một thành công lớn của huyện nghèo Hồng Dân.

Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Dân chia sẻ: Thành công bước đầu này đang mở ra hướng đi mới cho nông dân của huyện, đặc biệt là loại lúa này sẽ nhân rộng đại trà ra hàng ngàn héc-ta đất còn bỏ hoang của địa phương. Từ đó, không chỉ giúp hàng ngàn hộ dân chủ động được gạo ăn mà còn tạo ra một nguồn lương thực dồi dào, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa kinh tế huyện Hồng Dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Quý Tỵ là màu Xuân đầu tiên người dân nơi đây đón Tết vui hơn, hạnh phúc hơn bởi họ đã chinh phục được vùng đất khó khăn bao đời nay, làm giàu trên chính mảnh đất ông cha đã dày công khai hoang lập địa./.

Huỳnh Sử (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất