Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường sức mạnh liên minh quân sự nhằm đối phó
với những mối đe dọa an ninh khu vực. Thông tin trên được đưa ra sau cuộc họp về
an ninh theo cơ chế "2+2" giữa các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản
với những người đồng cấp Mỹ ngày hôm qua (3/10) tại thủ đô Tô-ki-ô.
Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc
Hây-gơ (Chuck Hagel) cho biết, hai nước đã nhất trí xây dựng lại các định hướng
hợp tác quốc phòng song phương vào cuối năm 2014 tới. Cũng tại cuộc họp này, hai
bên đã nhất trí di dời một phần lực lượng Mỹ từ căn cứ ở tỉnh Ô-ki-na-oa của
Nhật Bản - nơi đóng các căn cứ quân sự Mỹ sang đảo Gu-am, bắt đầu từ nửa đầu
những năm 2020; chuyển một số máy bay huấn luyện Chim ưng MV-22 của Mỹ ra khỏi
Ô-ki-na-oa; xúc tiến một thỏa thuận song phương về việc hoàn trả đất và các cơ
sở ở phía Nam Căn cứ Không quân Kadena của Mỹ cho chính quyền địa phương. Nhằm
củng cố liên minh, Mỹ và Nhật cam kết mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống
khủng bố toàn cầu, cướp biển và phối hợp cung cấp viện trợ nhân đạo. Cả Tô-ki-ô
và Oa-sinh-tơn cũng lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan tư nhân chống các mối
đe dọa về an ninh mạng, tìm kiếm chinh phục vũ trụ và công nghệ vệ tinh.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng
Mỹ G. Ke-ri (John Kerry) cho biết, đây là lần đầu tiên trong vòng 16 năm qua hai
bên đã đưa ra quyết định tăng cường sức mạnh liên minh quân sự nhằm ứng phó tốt
hơn với môi trường an ninh đang thay đổi. “Thỏa thuận liên minh quân sự, được
chúng tôi xem là thỏa thuận quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực, đã không được
cập nhật, sửa đổi kể từ năm 1997. Nhiều thứ đã thay đổi trong 16 năm qua. Đã
xuất hiện nhiều mối đe dọa khác nhau đối với nền an ninh khu vực, vì thế chúng
tôi nhận thấy liên minh quân sự song phương này vẫn là thành tố sống còn trong
chiến lược an ninh của hai nước”, ông G. Ke-ri nói. Đánh giá về kết quả đạt
được, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I.Ô-nô-đê-ra (Itsunori Onodera) khẳng định:
"Đây là lần đầu tiên cuộc họp "2+2" được tổ chức tại Tô-ki-ô. Tôi nghĩ rằng, sự
kiện này đưa ra một thông điệp cho khu vực Đông Á thấy rằng liên minh Nhật - Mỹ
đang hoạt động tốt".
Theo giới phân tích, bất chấp một số thăng trầm
đôi khi nảy sinh trong mối quan hệ song phương, quyết định tăng cường sức mạnh
liên minh Mỹ - Nhật chứng tỏ rằng hai nước vẫn có những lợi ích to lớn trong
việc duy trì và nâng cấp một liên minh quân sự. Trên thực tế, thắt chặt liên
minh Mỹ - Nhật và qua đó tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Á
không chỉ nằm trong những toan tính kinh tế của Oa-sinh-tơn. Trong bối cảnh Mỹ
đang tái cân bằng chiến lược các lực lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương,
việc Mỹ mở rộng phạm vi hợp tác Mỹ - Nhật giúp Oa-sinh-tơn thực hiện quyết tâm
giữ vai trò chủ đạo trong các vấn đề ở khu vực. Đối với Nhật, mặc dù ở Nhật có
không ít tiếng nói ủng hộ Nhật sửa đổi Hiến pháp hòa bình năm 1947 và trở thành
một nước "bình thường", việc sửa đổi Hiến pháp vẫn là một vấn đề gây tranh cãi
và ngay nội bộ Nhật cũng chưa đạt được sự nhất trí. Vì vậy, ít nhất trong tương
lai ngắn hạn, Nhật vẫn phải tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình. Thủ
tướng Nhật Bản S.A-bê (Shinzo Abe) từng cho biết, ông muốn lực lượng Nhật được
đào tạo tốt hơn, trang bị tốt hơn và có vai trò tích cực hơn. Vì vậy, mở rộng
hợp tác quân sự với Mỹ cũng sẽ giúp hiện thực hóa mong muốn này. Bên cạnh đó,
việc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ giúp cho Nhật mở rộng vai trò chính trị
và an ninh của mình trong khu vực, dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình vẫn là
phương cách đỡ tốn kém và hiệu quả, cho dù Nhật đã tăng lên đáng kể đóng góp của
mình trong liên minh này. Theo AP, tại cuộc họp ngày 3/10, hai bên đã thống nhất
rằng, Nhật Bản sẽ chi trả tới 3,1 tỷ USD đóng góp để di dời lính thủy đánh bộ Mỹ
ra khỏi Ô-ki-na-oa.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng lo ngại rằng, động
thái mới này của Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô có thể gây ra những tác động tiêu cực,
đặc biệt là trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông liên
quan đến quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
vẫn chưa được giải quyết. Và hôm 24-9 vừa qua, sau khi thông tin về cuộc họp
“2+2” được báo chí Nhật Bản loan tin từ trước, Tân Hoa xã cho biết, Bộ Ngoại
giao Trung Quốc lên tiếng tố cáo những động thái của Mỹ, Nhật sẽ chỉ gây ra căng
thẳng và bất ổn trong khu vực./.
Hoàng Vũ (QĐND)