Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 10/11/2011 22:46'(GMT+7)

Mỹ “sờ gáy” nhà giàu trốn thuế

Credit Suisse báo những khách hàng là người Mỹ chuẩn bị đối mặt với cuộc điều tra từ cơ quan chức năng.

Credit Suisse báo những khách hàng là người Mỹ chuẩn bị đối mặt với cuộc điều tra từ cơ quan chức năng.

Lỗ hổng gian lận thuế

Credit Suisse không tiết lộ có bao nhiêu khách hàng có tên trong “danh sách đen” mà Washington vất vả truy tìm trong chiến dịch truy thu thuế nhiều năm qua. Từ năm 2008, Mỹ đã cáo buộc hành vi gian lận thuế với hơn 30 khách hàng của UBS, Credit Suisse và HSBC.

Tháng trước, Credit Suisse cho biết đã đóng 329 triệu USD để bôi trơn hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia có công dân giàu có, mở tài khoản tại đây. Chỉ riêng số tiền mà Credit Suisse bỏ ra để đạt thỏa thuận ngừng điều tra và hủy tố cáo nhân viên của ngân hàng này về tội che giấu thuế của khách hàng tại chi nhánh của họ ở 13 thành phố trên nước Đức đã lên đến 205 triệu USD. Theo truyền thông Đức, có khoảng 180-250 tỷ USD được người Đức giấu trong các ngân hàng Thụy Sĩ và nếu truy thu thuế thì số tiền Berlin thu được có thể lên tới 75 tỷ USD.

Năm 2009, các công tố viên của Mỹ cáo buộc Ngân hàng UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ che giấu việc trốn thuế của các khách hàng Mỹ. Để tránh vụ tai tiếng này, UBS đã bồi thường 780 triệu USD cho Sở Thuế vụ của Mỹ (IRS) và thừa nhận đã tiếp tay cho hành vi trốn thuế của nhiều khách hàng giàu có người Mỹ. Bên cạnh đó, UBS chịu cung cấp thông tin bí mật của khoảng 5.000 khách hàng là người Mỹ cho Bộ Tư pháp Mỹ. Trước đó, Mỹ đã yêu cầu UBS cung cấp thông tin của 52.000 khách hàng, chủ của những tài khoản có tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD bị nghi ngờ trốn thuế.

“Lá chắn” Thụy Sĩ

Song song với việc Ngân hàng Credit Suisse giao dữ liệu của khách hàng là người Mỹ cho chính quyền Washington, phục vụ việc điều tra thì các quan chức Mỹ và Thụy Sĩ cũng đang trong giai đoạn tiến hành vòng đàm phán dân sự về vấn đề này. Tháng 8 vừa qua, Mỹ cho biết có đến 11 tổ chức tài chính được cho là cố ý giúp khách hàng qua mặt IRS khoản tiền gửi thật sự tại các tổ chức trên. Danh sách gồm UBS và Credit Suisse, HSBC, Basler Kantonalbank (Thụy Sĩ), Ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ), Ngân hàng Zuercher Kantonalbank (Đức), 3 ngân hàng Israel (gồm Bank Leumi Le-Israel BM, Bank Hapoalim BM và Mizrahi-Tefahot Bank)...

Thụy Sĩ được ví như thiên đường của những người giàu trên toàn thế giới muốn đảm bảo sự an toàn và bí mật đối với những khoản tài sản kếch xù. Các ngân hàng tại quốc gia này nổi tiếng với sự bảo mật gần như tuyệt đối suốt nhiều thập kỷ và nhận được sự tin tưởng vững chắc của các khách hàng.  Trong năm nay, Thụy Sĩ đã ký kết thỏa thuận không đánh thuế tài sản đối với Đức và Anh. Trước đó, những thỏa thuận tương tự với nhiều quốc gia khác đã được lần lượt ký.

Hôm nay 10-11, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận trong cuộc họp với Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ.

Báo cáo do Viện Thuế và Chính sách kinh tế của Mỹ cho biết, trong vòng 3 năm qua, đã có hàng chục doanh nghiệp lớn của nước này trốn thuế, nhiều doanh nghiệp vẫn nhận trợ cấp thuế của chính phủ mặc dù đạt lợi nhuận cao.

Việc điều tra và khảo sát do các chuyên gia của viện trên thực hiện cùng Citizens for Tax Justice (tổ chức phi lợi nhuận chuyên  nghiên cứu về chính sách thuế địa phương và liên bang) đối với 280 công ty thuộc danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune 500). Họ phát hiện 78 công ty không nộp thuế liên bang trong ít nhất từ 1-3 năm trở lại đây. Ngoài ra, 30 công ty khác đã giấu khoản lợi nhuận, báo cáo lỗ trong khi tổng lợi nhuận trước thuế trên thực tế của những công ty này lên đến 160 tỷ USD.

Những gian lận này dẫn đến thuế suất trung bình mà 280 doanh nghiệp trên nộp trong 3 năm qua là 18,5%, thấp hơn rất nhiều so với mức 35% mà họ phải nộp theo luật Mỹ. Trong khi đó, họ vẫn nhận được khoản trợ cấp thuế tổng cộng đến 223 tỷ USD từ chính phủ.


(Theo: SGGP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất