Tuy nhiên chính quyền Mỹ vẫn khẳng định
chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bên "chịu trách nhiệm"
trong vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 làm 1.429 người thiệt mạng,
trong đó có 426 trẻ em.
Ngày 8/9, một quan chức chóp bu của Nhà Trắng một mặt tiếp tục quy trách
nhiệm cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mặt khác
thừa nhận cho tới nay Mỹ vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về vụ
sử dụng vũ khí hóa học tại Syria ngày 21/8 vừa qua.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn trả lời phỏng vấn trên chương trình
truyền hình "Fox News Sunday" của Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis
McDonough, thừa nhận các nghị sỹ và người dân Mỹ
vẫn còn hoài nghi là điều dễ hiểu, vì chính quyền của Tổng thống Barack
Obama cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng "không
thể chối bỏ" về vấn đề này.
Tuy nhiên chính quyền Mỹ vẫn khẳng định
chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bên "chịu trách nhiệm"
trong vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 làm 1.429 người thiệt mạng,
trong đó có 426 trẻ em.
Ông Denis McDonough lập luận đây
không phải là một tòa án luật pháp và tin tức tình báo Mỹ cũng không làm
theo cách này. Ông McDonough cho biết, một cuộc chiến vào Syria, nếu
Tổng thống Obama ra lệnh, sẽ không giống các chiến dịch quân sự kéo dài
như với Iraq hoặc Afghanistan, và cũng sẽ không có sự tham gia của lính
bộ binh.
Về khả năng Quốc hội thông qua nghị quyết ủng hộ chủ trương
phát động chiến tranh của chính quyền, Chánh văn phòng Nhà Trắng nói
rằng còn quá sớm để dự báo chủ trương này sẽ nhận đủ hai phần ba số
phiếu ủng hộ cần thiết tại lưỡng viện Quốc hội.
Cùng
ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông và ngoại
trưởng các nước Liên đoàn Arập đã nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hóa
học tại Syria đã vượt qua làn ranh giới nghiêm cấm trên phạm vi toàn
cầu. Phát biểu này của ông Kerry được đưa ra tại Paris khi ông đang có
mặt tại châu Âu để vận động sự hậu thuẫn cho các hành động quân sự chống
Damascus.
Tuy nhiên, dư luận truyền thông Mỹ cho biết một số quốc gia
như Arập Xêút và Qatar ủng hộ chủ trương sử dụng vũ lực của Mỹ, trong
khi các quốc gia láng giềng của Syria như Jordan và Lebanon lại lo ngại
về khả năng xung đột lan rộng qua biên giới.
Liên
quan tới vấn đề này, theo kế hoạch, khi nhóm họp trở lại sau một tháng
nghỉ Hè, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ sẽ nghe giới chức chính quyền thuyết
trình kín về tình hình Syria. Ngoại trưởng Kerry sẽ trở về Washington
tham gia các buổi trình bày này. Tổng thống Obama dự kiến ngày 10/9 tới
sẽ có một bài phát biểu với người dân Mỹ về vấn đề Syria./.
(TTXVN)