Sau khi sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong 120 ngày hết hiệu lực, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tiếp nhận người tị nạn, ngoại trừ công dân đến từ 11 nước có "nguy cơ cao" - chủ yếu là các nước có đa số người Hồi giáo sinh sống.
Đây là nội dung của sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Donald Trump ký ngày 24/10 nhằm thay thế sắc lệnh ban hành hồi cuối tháng 6 vừa qua, theo đó cấm công dân đến từ 6 nước gồm Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Sudan nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời cho phép giới chức Mỹ tiến hành các biện pháp kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hơn đối với người nhập cư.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/10, Phó Giám đốc phụ trách vấn đề người tị nạn thuộc Cơ quan Di trú và công dân Mỹ, Jennifer Higgins, cho biết những người tị nạn nộp đơn nhập cảnh Mỹ sẽ phải trải qua vòng kiểm tra lý lịch gắt gao hơn, trong đó có cả việc sử dụng mạng xã hội.
Quan chức trên nhấn mạnh sự an toàn của người dân Mỹ được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, sắc lệnh mới sẽ tiếp tục giảm hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Trump.
Trước đó, cựu Tổng thống Barack Obama đã đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn trong tài khóa 2017 (kết thúc ngày 30/9) ở mức 110.000 người. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền điều hành nước Mỹ vào tháng 1 vừa qua, ông Trump tuyên bố giảm hạn ngạch xuống còn 53.000 người. Đối với tài khóa 2018, đến nay Tổng thống Trump đã cắt giảm xuống mức tối đa 45.000 người.
Giới chức Mỹ từ chối tiết lộ danh sách 11 quốc gia tiếp tục bị cấm nhập cảnh, song cho biết danh sách này tương tự với danh sách hồi năm 2015 - bao gồm Ai Cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Triều Tiên, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.
Các nước này, ngoại trừ Triều Tiên, đều có đông người Hồi giáo sinh sống và chiếm gần 50% tổng số người xin tị nạn vào Mỹ.
Trong tổng số hơn 53.716 người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận trong tài khóa vừa kết thúc có 22.150 người đến từ Syria, Iraq, Iran và Somalia./.
Theo TTXVN