Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 5/1/2015 9:38'(GMT+7)

Mỹ - Triều với cuộc chiến an ninh mạng

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un đọc diễn văn mừng năm mới hôm 1/1. (Ảnh: AP)

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un đọc diễn văn mừng năm mới hôm 1/1. (Ảnh: AP)

Nhà Trắng hôm 2/1 vừa qua thông báo Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã cho phép áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây là phản ứng đầu tiên của Oa-sinh-tơn với vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures mà Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những lệnh trừng phạt bổ sung này nhằm vào 3 công ty cùng 10 quan chức chính phủ của Triều Tiên, trong đó có những cá nhân làm việc tại I-ran, Xy-ri, Trung Quốc, Nga và Na-mi-bi-a. Ba công ty chịu trừng phạt gồm: Cục Trinh sát tình báo Triều Tiên, Công ty khai thác phát triển thương mại Triều Tiên và Tập đoàn Tangun. Theo cơ quan tình báo Mỹ, Cục Trinh sát tình báo Triều Tiên là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động mạng chính của Bình Nhưỡng. Công ty khai thác phát triển thương mại là đơn vị chịu trách nhiệm buôn bán vũ khí ở Triều Tiên, còn Tập đoàn Tangun phụ trách mua sắm công nghệ phục vụ cho chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng ở nước này. Theo Reuters, các cá nhân bị trừng phạt lần này làm việc cho hai công ty nói trên nhưng không phải là các lãnh đạo hàng đầu ở Triều Tiên.

Trong thư gửi các lãnh đạo Quốc hội Mỹ thông báo về sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, ông ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt này vì điều mà ông gọi là những hành động và chính sách khiêu khích, gây bất ổn của Chính phủ Triều Tiên, kể cả những hành động phá hoại liên quan đến không gian mạng trong các tháng 11 và 12/2014. Theo ông Ô-ba-ma, những hoạt động đó “tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ".

Lệnh cấm vận được ban hành sau khi các tin tặc đột nhập vào mạng máy tính của hãng phim Sony hồi cuối tháng 11, đánh cắp và công bố lên internet nhiều thông tin nhạy cảm về các nhân viên của Sony, công bố các đoạn phim chưa được trình chiếu và những tranh cãi trên thư điện tử giữa các lãnh đạo công ty. Nhóm tin tặc-một nhóm tự nhận mình là “người bảo vệ hòa bình”-sau đó còn đe dọa Sony nếu hãng này công chiếu bộ phim hài "The Interview" (Cuộc phỏng vấn) trong dịp Giáng sinh, vốn là một câu chuyện hư cấu về một âm mưu của CIA nhằm ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un (Kim Jong-un). Mỹ ngay lập tức đổ lỗi cho Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi sự liên quan của mình đến các vụ tấn công mạng.

Tuy vậy, Oa-sinh-tơn vẫn giữ khư khư quan điểm của mình. Cả hai bên liên tục đối đầu và cáo buộc lẫn nhau về các sự cố mạng. Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Còn Bình Nhưỡng, trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn KCNA, đe dọa sẽ “thổi tung” Nhà Trắng, đồng thời vẫn khẳng định không liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures. Sau đó, cuối tháng 12, internet ở Triều Tiên liên tục gặp sự cố, có thời điểm bị sập suốt 9 giờ đồng hồ. Triều Tiên cáo buộc Mỹ về sự cố này, trong khi đó, Mỹ khẳng định không hề liên quan.

Sự việc này châm ngòi cho những tranh cãi tầm quốc gia giữa Mỹ và Triều Tiên và có nguy cơ đẩy mối quan hệ hai bên xuống mức thấp hơn nữa. Thủ phạm đằng sau chuỗi sự kiện này vẫn là điều bí ẩn. Nhưng mục tiêu xem ra còn vượt lên hành động phá hoại kinh tế thông thường và có nguy cơ tạo ra một phản ứng dây chuyền. Giới báo chí và chuyên gia đang đặt cả giả thuyết rằng: Có thể có một thế lực thứ ba, có thể là một tổ chức hay thậm chí một nhà nước nào đó đang tấn công vào cả hai bên để gây thêm rắc rối.

Trong khi đó, các nhà điều tra tư nhân cho rằng, vụ tấn công mạng trên là do một cựu nhân viên bất mãn ở công ty thực hiện. Các đặc vụ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuần này đã gặp giới chức Norse Corporation, một công ty tình báo mạng có tiếng của Mỹ. Công ty này tuyên bố rằng, một nhân vật trong nội bộ ở hãng Sony Pictures, có thể cộng tác với những tin tặc bên ngoài, đã xâm nhập các hồ sơ dữ liệu của công ty. Một quan chức của Norse Corporation cho biết, các nhà điều tra của họ không thể tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã "ra lệnh, chủ mưu hoặc được tài trợ" vụ tấn công trên.

Dù vậy, Nhà Trắng trong thông báo hôm 2/1 cho biết, các lệnh cấm vận chỉ là “khía cạnh đầu tiên trong phản ứng của chúng tôi”. Các chuyên gia cảnh báo, Mỹ cũng cần phải tính đến những hậu quả khi đưa ra biện pháp phản ứng, vì điều này có thể khiến Triều Tiên leo thang một cuộc chiến tranh mạng cũng như công nghệ hạt nhân.

Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ  không tác động được gì nhiều tới Triều Tiên, đất nước chịu nhiều lệnh cấm vận của Mỹ hơn nửa thế kỷ qua. “Nó sẽ không hiệu quả bởi người Triều Tiên không đi du lịch Mỹ và châu Âu nhiều. Họ cũng không có hàng tỷ USD trong các ngân hàng châu Âu”, Reuters dẫn lời G.Uýt (Joel Wit), chuyên gia thuộc Viện Johns Hopkins, chuyên nghiên cứu các vấn đề Mỹ và Triều Tiên./.

Ngọc Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất