Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 25/9/2011 14:46'(GMT+7)

Mỹ tung gói kích thích kinh tế mới: Không phải chiếc đũa thần

 Cùng với quyết định duy trì lãi suất siêu thấp gần bằng 0% đến giữa năm 2013, QE 2.5, bắt đầu từ tháng 10-2011 và kết thúc vào cuối tháng 6-2012 được kỳ vọng sẽ tác động toàn diện đến các chương trình vay mượn của Mỹ nhằm giảm chi phí các khoản vay. Với một nền kinh tế mà tiêu dùng đóng góp tới 60% tăng trưởng như Mỹ, lãi suất thấp sẽ khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và qua đó cải thiện sức ì không thuyên giảm của cỗ máy kinh tế số 1 thế giới, về lý thuyết là đáp án không tồi cho bài toán tăng trưởng đang thách thức chính quyền Tổng thống Barack Obama.
 
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đồng loạt mất điểm khi ngóng chờ những tin tức từ Fed, chứng khoán Mỹ và toàn cầu tiếp tục lao dốc không phanh ngay sau thông báo về cú tung tiền mới nhất tại Mỹ. Chỉ riêng phố Wall đã mất trắng khoảng 1.000 tỷ USD trong tuần qua là cú sốc choáng váng mà cơ quan tài chính quyền lực nhất nước Mỹ không thể ngờ tới. Mặc dù quyết định của Fed là cần thiết trong bối cảnh hàng loạt thông số quan trọng ủng hộ cho dự đoán u ám rằng sức khỏe của cường quốc số 1 thế giới đang yếu đi khi hiệu quả hai gói kích thích kinh tế trước đó dần mất hút trong cả rừng khó khăn. Động thái này chứng tỏ rằng Fed luôn sẵn sàng ứng cứu nếu nền kinh tế Mỹ chạm đến ranh giới nguy hiểm. Song phản ứng của thị trường là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy các nhà đầu tư mong đợi nhiều hơn thế.

Dường như 400 tỷ USD nhằm nới lỏng điều kiện tín dụng là chẳng thấm vào đâu so với hệ thống tài chính đồ sộ của nước Mỹ; đồng thời nước Mỹ khó mà nhanh chóng đảo ngược được tình thế khó khăn hiện nay khi hai gói kích thích lớn hơn thế chưa mang lại tác dụng như mong muốn. Sự kiện 3 ngân hàng bậc nhất Mỹ: Bank of America, Wells Fargo và Citigroup lại vừa bị nhà xếp hạng tín dụng Moody's hạ tín nhiệm là một dấu hiệu mới khẳng định cú tiếp sức mới của Fed chưa thể thuyết phục dư luận rằng kinh tế Mỹ sẽ sớm thoát khỏi cơn suy thoái.

Đã có nhiều người nhắc tới cụm từ "thập kỷ mất mát" đặc trưng của Nhật Bản để nói về thực trạng của siêu cường số 1 hành tinh. Sụt giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, khủng hoảng nhà đất chưa chấm dứt, hệ thống tài chính không mạnh như người ta tưởng, nợ nần và thâm hụt ngân sách cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử... đã lộ ra như những yếu huyệt mà nước Mỹ đang đối mặt. Đây là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa phải rung chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Thể chế tài chính đa phương này cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng yếu trong nhiều năm tới và hồi phục không đáng kể. Thêm vào đó, sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ về các vấn đề kinh tế, cuộc đối đầu chưa dứt giữa lưỡng đảng liên quan đến thuế má và ngân sách càng thổi bùng quan ngại rằng nước Mỹ sẽ còn điêu đứng trước những sóng gió suy thoái chưa ngừng.

Trong bối cảnh các đối tác lớn đều đang gặp phải những thử thách nghiêm trọng chưa từng có như châu Âu vật vã trong bão nợ, Nhật Bản khủng hoảng vì thiên tai... thì niềm hy vọng vào chiếc đũa thần - Fed - có thể chữa lành tức thì những tổn thương mà kinh tế Mỹ trải qua sau biến cố tài chính 2008 xem ra vô cùng viển vông. Dẫu vậy, sự vững chãi của kinh tế Mỹ vẫn sẽ là động lực quan trọng cho con tàu kinh tế toàn cầu đang đi vào những cung đường gập ghềnh nhất.

HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất