Với chiến thắng thuộc về đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà
Aung San Suu Kyi, từ vị trí đảng đối lập NLD đã lần đầu tiên lên nắm
giữ quyền lực ở Myanmar kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi ách
đô hộ của thực dân Anh năm 1948. Tuy nhiên, NLD sẽ phải đối mặt với
không ít khó khăn, thách thức ở phía trước.
Nhiệm vụ đầu tiên của bà San Suu Kyi và NLD là đàm phán về một cuộc
chuyển giao quyền lực từ phía quân đội, vốn điều hành hầu như mọi khía
cạnh trong đời sống chính trị và kinh tế Myanmar hơn 50 năm qua.
Đặc biệt, chính đảng còn non nớt kinh nghiệm trong điều hành đất nước
này sẽ phải tìm cách hiện thực hóa những cam kết đã đề ra trong chiến
dịch tranh cử để đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Các vấn đề kinh tế và xung đột sắc tộc sẽ là bài toán khó mà chính quyền
mới phải giải quyết khi lên nắm quyền. Bên cạnh đó, việc xây dựng và
triển khai chính sách đối ngoại với trọng tâm cân bằng quan hệ với các
nước lớn đang muốn giành ảnh hưởng tại khu vực có vị trí chiến lược này
cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Quân đội là lực lượng quan trọng trong nền chính trị ở Myanmar
và thực tế này đã được xác lập từ năm 1948 khi Myanmar giành độc
lập. Hiến pháp Myanmar, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm
2008, đã dành riêng 25% tổng số ghế trong quốc hội hai viện cho đại diện
quân đội và đảm bảo quân đội có quyền bổ nhiệm các vị trí then chốt của
Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Các vấn đề về biên giới.
Ba bộ quan trọng này nằm dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Quân đội Myanmar.
Bộ Nội vụ hiện cũng quản lý Cục hành chính công và về cơ bản quản lý
toàn bộ hệ thống hành chính từ cấp làng trở lên. Đây sẽ là rào cản lớn
đối với NLD trong việc triển khai các chính sách của mình.
Trong khi đó, khả năng thay đổi Hiến pháp trong ngắn hạn cũng khó có thể
xảy ra. Ngay cả khi NLD hội đủ 3/4 số phiếu ủng hộ trong quốc hội lưỡng
viện, quân đội Myanmar vẫn có thể sử dụng “quyền phủ quyết” để ngăn
chặn việc thay đổi Hiến pháp.
Rõ ràng, một loạt vấn đề căn bản của nền chính trị Myanmar chưa thể hoàn
toàn được giải quyết chỉ với cuộc bầu cử vừa qua. Và như vậy, thực
trạng chính trị của Myanmar sau bầu cử vẫn sẽ là NLD vừa được cử tri đặt
lòng tin và một bên là quân đội với quyền lực ảnh hưởng truyền thống.
Đây sẽ là hai phe chủ chốt trong các cuộc đàm phán chính trị gay go,
phức tạp trong thời gian tới.
Myanmar là một đất nước rộng lớn, nhiều tài nguyên nhưng nền kinh tế
còn kém phát triển. Điều kiện sống của phần lớn người dân Myanmar tại
khu vực nông thôn hết sức khó khăn. Nhiều người trong số họ hiện có mức
sống dưới 1,25 USD/ngày và GDP bình quân đầu người vào khoảng 810 USD.
Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, cơ sở hạ tầng lạc hậu và
sự phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển là những
gánh nặng cho chính phủ mới. Sự chuyển đổi kinh tế-chính trị của
Myanmar do chính quyền của Tổng thống Thein Sein khởi động đã đưa
đến nhiều cải cách mang lại những tín hiệu khởi sắc.
Giới quan sát nhận định mặc dù có không ít người bất bình với
hiện trạng, nhưng họ vẫn cho rằng chính phủ đương nhiệm và đảng
Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của ông Thein Sein vẫn có
kinh nghiệm quản lý đất nước hơn so với NLD.
Mặt khác, phải nhìn nhận thực tế rằng chiến dịch tranh cử của NLD phần
lớn dựa vào hình ảnh của bà San Suu Kyi với hy vọng điều đó sẽ giúp khỏa
lấp sự thiếu kinh nghiệm quản lý đất nước và thiếu các nhà lãnh đạo
thực sự có năng lực.
Nhiều khả năng NLD sẽ tiếp tục theo đuổi các cải cách mà chính quyền
đương nhiệm đang thực hiện, nhưng chắc chắn đảng này sẽ phải đối mặt với
những khó khăn về nhân sự tham gia quản lý đất nước trong thời kỳ mới.
Giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc cũng là một thử thách lớn đối với
NLD. Một tháng trước khi diễn ra tổng tuyển cử, chính quyền của Tổng
thống Thein Sein đã ký một thỏa thuận chấm dứt xung đột với hơn 10 nhóm
sắc tộc chính, tuy nhiên, chiến sự vẫn tiếp diễn với một số nhóm khác
và khả năng chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột đẫm máu suốt hơn 60 năm
qua vẫn còn để ngỏ.
Chia rẽ sắc tộc và sự bất mãn về kinh tế là nguyên nhân căn bản gây ra
cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar. Theo thống kê sơ bộ, người Miến Điện
chiếm 2/3 dân số Myanmar, 1/3 còn lại là các dân tộc bản địa được thừa
nhận và không được thừa nhận.
Ngoài ra, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo chồng chéo đã khiến cho sự phân
chia này trở nên phức tạp hơn. Từ lâu nay, đại diện các sắc tộc thiểu số
luôn đòi hỏi sự bình đẳng hoàn toàn trong một nhà nước liên bang thực
sự chứ không phải chỉ là tên gọi như hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các
nhà lãnh đạo chính trị chỉ mới đề cập đến nhà nước liên bang như một
khái niệm mơ hồ chứ chưa có cương lĩnh rõ ràng.
Việc áp dụng mô hình nước ngoài không phù hợp với thực tế chính trị,
kinh tế, tôn giáo Myanmar không phải là cách làm sáng suốt, bởi điều đó
hoàn toàn có thể dẫn đến sự tan rã với các hệ lụy nghiêm trọng hơn.
Giải pháp duy nhất cho vấn đề này vẫn là kiên trì đối thoại
chính trị, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.
Do vị trí địa-chính trị quan trọng của Myanmar, các nước lớn ở trong và
ngoài khu vực rất quan tâm tới việc thiết lập quan hệ kinh tế, chính trị
và quân sự lâu dài với quốc gia này. Quốc gia nào có được ảnh hưởng ở
Myanmar sẽ có ảnh hưởng lớn trong cục diện địa-chính trị ở liên khu vực
châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mặt khác, Myanmar là một thành
viên ASEAN nên mọi động thái ở Myanmar đều tác động tới các nước Đông
Nam Á.
Vì thế, chính sách đối ngoại của chính quyền mới Myanmar chắc chắn sẽ
phải giải quyết bài toán cân bằng lợi ích giữa các nước lớn.
Có thể nói chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua đã đem lại vị thế mới
cho NLD và bà San Suu Kyi, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai chính đảng
này những sứ mệnh nặng nề.
Chỉ khi cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, tiến trình hòa giải
sắc tộc đạt được những kết quả nhất định, các lực lượng cùng đoàn kết,
tập trung xây dựng và phát triển đất nước, cải thiện cuộc sống của người
dân và nâng cao vị thế của Myanmar trong khu vực và trên trường quốc tế
thì chiến thắng vừa qua của NLD mới thực sự có ý nghĩa lịch sử./.
Sơn Nam (TTXVN)