Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 13/5/2017 21:7'(GMT+7)

Myanmar tiến tới trao quyền lập pháp cho các địa phương

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (giữa) phát biểu tại cuộc họp của UPDJC ở Naypyitaw ngày 28/10/2016. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (giữa) phát biểu tại cuộc họp của UPDJC ở Naypyitaw ngày 28/10/2016. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phát biểu với báo giới tối 12/5 sau khi kết thúc cuộc họp của UPDJC, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Myanmar, ông U Zaw Htay, cho biết kết quả trên là 1 trong số 21 nội dung chi tiết sẽ được đưa ra để thông qua ở phiên họp thứ 2 của Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21, dự kiến diễn ra ngày 24/5 tới tại thủ đô Nay Pyi Taw. 

Các nội dung đó bao gồm chủ quyền, bình đẳng, tự lập pháp, hệ thống dân chủ... Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên các bang của Myanmar được trao quyền lập pháp. Tuy nhiên, hiến pháp khu vực sẽ không được đi ngược lại hiến pháp quốc gia và hiến pháp hiện hành tai khu vực đó.

Theo ông U Zaw Htay, các nội dung khác đạt được tại cuộc họp do Cố vấn Nhà nước kiêm Chủ tịch UPDJC, bà Aung San Suu Kyi, chủ trì này liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên, đất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. 

Cuối tháng 8/2016, cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar, còn gọi là Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21, đã diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw với mục tiêu đoàn kết tất cả các nhóm sắc tộc ở Myanmar và xây dựng một liên bang dân chủ thông qua đối thoại.

Nội dung hội nghị tập trung vào khuôn khổ đối thoại chính trị quốc gia nhằm chấm dứt các cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia và các nhóm vũ trang sắc tộc suốt gần 7 thập kỷ qua. 

Hội nghị có sự tham gia của 1.800 đại biểu đại diện cho chính phủ, quốc hội, quân đội, các đảng phái chính trị, các tổ chức sắc tộc vũ trang và không vũ trang, và các tổ chức xã hội dân sự./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất