NHỮNG THÁCH THỨC LỚN TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG MÙA LỄ HỘI
Lễ hội tại Việt Nam là những sự kiện văn hóa có tính cộng đồng cao, bao gồm các hoạt động thể hiện sự tôn kính về mặt tôn giáo, tâm linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người và các hoạt động sinh hoạt văn hóa, giao lưu, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.
Chính bởi những đặc điểm của lễ hội nêu trên nên hoạt động giao thông vận tải liên quan tới lễ hội cũng có những đặc trưng: Hoạt động tham gia lễ hội diễn ra ở các vùng miền, trải rộng khắp cả nước; người dân sử dụng nhiều phương thức vận tải khác nhau để tiếp cận lễ hội (trong đó, phổ biến nhất là đường bộ và đường thủy). Đối tượng tham gia lễ hội rất đa dạng với nhiều thành phần dân cư, độ tuổi, giới tính; nhu cầu đi lại gia tăng đột biến vào mùa lễ hội. Hoạt động vận tải diễn ra rất nhộn nhịp kể cả vào ban đêm, trong điều kiện giao thông và thời tiết bất lợi, phức tạp (đường đèo dốc, sương mù, tầm nhìn hạn chế, mặt đường trơn trượt, mưa lũ, mực nước sông hồ dâng cao..).
Mặc dù vậy, cần phải khẳng định, lễ hội không phải là nguyên nhân gây ra TNGT. Nếu được chuẩn bị tốt, các lễ hội vẫn sẽ diễn ra an toàn về mọi mặt, trong đó có an toàn giao thông. Nhưng do nhu cầu đi lại mùa lễ hội tăng cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông. Nhiều lái xe và phương tiện phải di chuyển một khoảng cách lớn và thời gian dài để chở hành khách tới tham dự lễ hội, thậm chí lái xe và tàu thuyền vào ban đêm, quá số giờ quy định gây mệt mỏi, buồn ngủ, mất tập trung. Nhiều chủ xe đưa phương tiện, tàu thuyền cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để chở khách, bố trí lái xe, lái tàu không đủ trình độ bằng cấp tay nghề. Một số doanh nghiệp và chủ phương tiện cố tình vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, không bố trí các thiết bị dụng cụ nổi cứu sinh trên thuyền, vận chuyển khách vào ban đêm để tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, việc nhiều lái xe phải đi tới những địa điểm mới, cung đường mới trong khi chưa có đủ thông tin đặc điểm tình hình giao thông trên tuyến; nhiều lái xe, lái tàu (lái xe mới, thuê xe tự lái...) thiếu kỹ năng, kinh nghiệm điều khiển phương tiện trên những cung đường bộ đèo dốc quanh co, những tuyến đường thủy phức tạp, là những thách thức rất lớn trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) mùa lễ hội.
Ngoài ra, phải kể đến một bộ phận người tham gia giao thông có thể có các hành vi vi phạm như: lái xe trong tình trạng vi phạm quy định nồng độ cồn; sai phần đường, làn đường; lái xe quá thời gian quy định, vi phạm quy định về tốc độ; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường; tàu thuyền không có/không đủ thiết bị dụng cụ nổi cứu sinh, hành khách không mặc áo phao trên phương tiện thủy nội địa. Đây đều là những hành vi trực tiếp dẫn tới TNGT hoặc gây hậu quả TNGT lớn.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Từ những đặc điểm nêu trên, có thể rút ra một số giải pháp nhằm nâng cao an toàn giao thông trong các dịp cao điểm, lễ, hội.
Vào dịp lễ, hội, các dịp cao điểm, nhu cầu đi lại gia tăng từ 2-3 lần nên xác suất xảy ra va chạm giao thông cũng tăng ở tỷ lệ tương tự. Bởi vậy, mỗi người khi tham gia giao thông cần thận trọng hơn ngày thường. Nếu chuyến đi dài, nên có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, lên kế hoạch đi lại, thông tin trước chuyến đi và chuẩn bị thể lực tốt, kiểm tra bảo đảm kỹ thuật của xe...
Đặc biệt trong dịp lễ hội, có khá nhiều người lái xe tới những địa điểm, những cung đường mới mà mình chưa từng đi qua. Khi chưa quen điều kiện giao thông, rõ ràng rủi ro cũng sẽ cao hơn. Bởi vậy, mỗi người lái trước khi khởi hành, đặc biệt là những cung đường mới, cần có một kế hoạch tìm hiểu thông tin về tuyến đường, những điểm dừng nghỉ, những đường ngang trên lộ trình, các tuyến ra, vào cao tốc, các trạm dừng nghỉ... để có thể chủ động và tự tin hơn khi lái xe.
Mỗi người lái xe cũng cần ý thức được ảnh hưởng của nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện và tuyệt đối tuân thủ quy định “Đã uống rượu bia không lái xe”. Mọi người trong gia đình khi thấy người thân uống rượu bia thì cương quyết không cho lái xe. Khi đã uống rượu bia rồi, vẫn có rất nhiều giải pháp đi lại thay thế như để người khác lái thay, hoặc sử dụng taxi, xe buýt... Đây là những điều mà từng thành viên trong mỗi gia đình cần nắm rõ.
Đặc biệt, những gia đình vừa mua xe mới (cả xe máy, ô tô và thậm chí xe đạp) thường có với một tâm lý rất háo hức. Người mới lấy giấy phép lái xe, chưa có nhiều kinh nghiệm, lại tham gia ngay vào môi trường giao thông phức tạp hơn bình thường cũng là một lý do có thể dẫn tới những va chạm giao thông đáng tiếc. Với những người đã có giấy phép lái xe, nhưng trong một thời gian dài không điều khiển phương tiện, khi tham gia giao thông vào dịp cao điểm, nguy cơ rủi ro sẽ cao hơn. Bởi vậy, cần khuyến cáo với những người mới điều khiển phương tiện là phải tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng trước khi tham gia các cung đường các điều kiện phức tạp. Nếu cần, có thể bổ túc thêm từ những lái xe kinh nghiệm trong những điều kiện phức tạp: giao thông hỗn hợp, ban đêm, trời mưa, cao tốc, đường đèo...
Vào dịp cao điểm, do nhu cầu đi lại gia tăng, có thể xảy ra trường hợp, có một số nhà xe, chủ xe sử dụng phương tiện cũ nát không đủ điều kiện kỹ thuật, bố trí lái xe không có đủ bằng cấp tay nghề, lái quá số giờ quy định, phóng nhanh vượt ẩu để đón khách... Đây đều là những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, và đòi hỏi lực lượng chức năng tại địa phương cần tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, từ góc độ hành khách, mỗi hành khách nên có kế hoạch đi lại sớm, chủ động chọn những nhà xe có uy tín. Khi có vấn đề gì phát sinh, cần liên hệ ngay với đường dây nóng về trật tự an toàn giao thông của địa phương để xử lý kịp thời.
Ùn tắc giao thông cũng là hiện tượng rất phổ biến dịp cao điểm, nghỉ lễ, và tâm lý người tham gia giao thông thường là “chậm ở chỗ này thì sẽ cố gắng đi nhanh ở chỗ khác”. Đây cũng chính là nhân tố rất nguy hiểm. Bởi vậy, cần khuyến cáo với người lái xe, điều khiển phương tiện giao thông là dù bị ùn tắc rất lâu ở một vị trí, hãy giữ bình tĩnh và tuân thủ quy định về tốc độ và các quy tắc giao thông khác./.
Cần phải khẳng định, lễ hội không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Nếu được chuẩn bị tốt, các lễ hội vẫn sẽ diễn ra an toàn về mọi mặt, trong đó có an toàn giao thông. Nhưng do nhu cầu đi lại mùa lễ hội tăng cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. |
TRẦN HỮU MINH
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia