Là bệnh viện loại II (theo thứ tự xếp loại của Bộ Y tế), nhưng nhiều năm qua, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai (tỉnh Ðồng Nai) đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân trong tỉnh. Một trong những yếu tố quan trọng để bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy của người dân đó là việc bệnh viện đã từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai đã nâng cấp trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ nghiệp vụ, làm tốt công tác y đức của người thầy thuốc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thông qua kết quả nghiên cứu của 70 đề tài khoa học (từ năm 2007-2008) bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng như: Phẫu thuật u não, gãy trật cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, thay khớp háng toàn phần, vi phẫu mạch máu,... ứng dụng các phương pháp phẫu thuật qua nội soi: Thai ngoài tử cung, điều trị vô sinh, cắt thùy phổi, tán sỏi niệu quản...; các xét nghiệm: Tế bào Hargrave, tầm soát ung thư: PSA, CA 125, AFP, 5 marqueurs xét nghiệm viêm gan, D.Dimer test, microalbumine niệu, RT-PCR và đưa máy chẩn đoán hình ảnh MRI, C-ARM vào hoạt động.
Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, cho biết: "Năm 2009, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai sẽ triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới như: điện tâm đồ gắng sức, phẫu thuật thay khớp gối, phẫu thuật nội soi khớp, chẩn đoán điện cơ đồ (EMG)... Trong đó tập trung điều trị ung thư: đẩy mạnh phẫu trị kết hợp triển khai hóa trị và xạ trị, góp phần kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh...".
Bằng nỗ lực của tập thể bác sĩ, y tá cùng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai đã phẫu thuật được nhiều ca khó và đã cứu nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Ðó là trường hợp chị K.R, dân tộc Châu Mạ, ở thị trấn Ðịnh Quán, nhập viện trong tình trạng sốt cao, vàng da, vàng mắt. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ phát hiện chị K.R bị tắc ống mật chủ do bị chèn bởi một viên sỏi mật có kích thước rất lớn và gan có nhiều viên sỏi nhỏ, túi mật có sỏi bùn. Trong thời gian hơn hai giờ mổ, kíp phẫu thuật đã lấy ra một viên sỏi có kích thước 6,5 x 3,5 cm cùng hơn 100 viên sỏi nhỏ. Ðến nay sức khỏe chị K. R đã hồi phục hoàn toàn. Hay trường hợp ông P.A.D, ở TP Biên Hòa. Do sơ suất trong khi làm việc, cánh tay bị tai nạn đứt rời. Bằng kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ, y tá bệnh viện đã nối cánh tay của ông thành công. Trưởng Khoa Ung bướu, bác sĩ Lê Ðức Nhân, cho biết: trường hợp nối cuống họng bị đứt, là một trong những ca mổ khó, nhưng bác sĩ, y tá ở Khoa Ung bướu đã cứu được người bệnh. Anh N.V.A (Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng cuống họng bị một vết chém dài khoảng 30 cm từ cổ xuống xương đòn ức, máu ra nhiều, suy hô hấp nặng, khí quản, các cơ đòn ức và cơ cổ cũng bị đứt lìa, xương đòn ức bị vỡ, nhiều tĩnh mạch trên cổ bị đứt... Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã hội chẩn chính xác, nhanh và khẩn trương đưa người bệnh vào phòng mổ và tiến hành ngay ca phẫu thuật. Kíp mổ đã khâu nối lại khí quản, các cơ và mạch máu trên cổ bị đứt, đặt ống khí quản để thông tuyến hô hấp... cho nạn nhân. Sau gần ba tiếng, kíp mổ đã nối thành công phần khí quản và các bộ phận bị đứt trên cổ nạn nhân, nếu chậm khoảng 30 phút, người bệnh có thể chết.
Bên cạnh những thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị, triển khai các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai còn chú trọng việc nâng cao năng lực cán bộ vì đây là yếu tố quan trọng thứ hai để nâng cao chất lượng khám và điều trị người bệnh. Nhiều lớp tập huấn về cấp cứu sơ sinh, kỹ thuật lọc máu ngoài thận, nội tiết, các bệnh chuyển hóa, phong thấp cấp II và tim mạch, an toàn trong truyền máu... được tổ chức thường xuyên. Tại các lớp tập huấn, bệnh viện mời các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về giảng dạy và hướng dẫn thực tập ngay trong các ca mổ khó. Qua đó, đã giúp đội ngũ y tá, bác sĩ có thêm nhiều kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh, xử lý được các căn bệnh hiểm nghèo. Chi bộ đảng trong các phòng, khoa còn khuyến khích phong trào tự học trong đội ngũ y tá, bác sĩ, kỹ thuật viên... Bệnh viện còn là nơi thực hành và tham gia giảng dạy cho điều dưỡng trung học của Trường cao đẳng Y tế Ðồng Nai, sinh viên hệ chuyên tu Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Ðại học Y khoa Huế.
Ðảng ủy và Ban Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai xác định, muốn tạo được sự chuyển biến mạnh thì phải thực hiện tốt dân chủ, đoàn kết trong đảng bộ: Không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ trong toàn bệnh viện. Chị Lê Thị Chỉ, Ðiều dưỡng phó của bệnh viện cho biết: "Tất cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều được tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng các nội quy, quy chế, quy định, nhất là những quy định có liên quan nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, nhân viên. Do đó, các quy chế, quy định được cán bộ, nhân viên chúng tôi ủng hộ nhiệt tình và thực hiện nghiêm...".
Có thể nói, những thành quả của ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực vươn lên không ngừng của một tập thể đoàn kết, với một đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên có trình độ chuyên môn cao của Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai.
Bài và ảnh:HOÀNG ANH (ND)