Đổi mới cơ bản toàn diện hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN); đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu KH&CN theo yêu cầu của đất nước, phát triển KH&CN phục vụ an ninh quốc phòng và mục đích công là những vấn đề quan trọng được nêu lên tại hội thảo “Quản lý chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ cho các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, các viện và các trung tâm nghiên cứu” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng , từ ngày 22 đến 24/8.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã đóng góp nhiều tham luận, ý kiến nhằm góp phần nâng cao năng lực và chất lượng quản lý cho các đơn vị giáo dục. Các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu và hướng dẫn Thông tư số 16/2012/TT-BGDĐT ngày 9/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quy định về quản lý chương trình KH&CN cấp bộ của Bộ GD&ĐT. Đồng thời thông qua các quy định về hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục, các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu KH&CN trong giáo dục.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Tạ Đức Thịnh, Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GD&ĐT: Trong những năm vừa qua, việc nghiên cứu KH&CN ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu KH&CN chưa thực sự trở thành hoạt động then chốt cho sự phát triển kinh tế và xã hội, chưa bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, chưa có nhiều công trình nghiên cứu mang tính đột phá, KH&CN có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân là do nền kinh tế nước ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi với quy mô nhỏ, trình độ phát triển vẫn còn thấp; năng lực và tiềm lực KH&CN của đất nước còn thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành từ trung ương đến địa phương còn thiếu chặt chẽ; thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, chưa có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ…
Nhiều tham luận mang tính đột phá đã được các đại biểu chia sẻ như: vấn đề tự chủ trong quản lý về nghiên cứu KH&CN cần được chú trọng và nâng cao; nghiên cứu KH&CN để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo là nhu cấu tất yếu; tăng kinh phí nghiên cứu KH&CN cho các cơ sở giáo dục là chìa khóa đảm bảo chất lượng đào tạo.../.
TTX