Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 24/4/2018 17:56'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu để đẩy mạnh xuất khẩu

Sáng ngày 24/4/2018, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Hướng tới một nền xuất khẩu nhanh và bền vững”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương hiệu, doanh nghiệp (DN) và hiệp hội ngành hàng đã sôi nổi thảo luận về các mặt hàng, thị trường tiềm năng, đồng thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu (XK) gắn với thương hiệu Việt trong thời gian tới.

 

 

Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, trao đổi, phân tích, đánh giá về hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Việt Nam; trao đổi về đổi mới cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả; đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng hỗ trợ tập trung, có trọng tâm trọng điểm ngành hàng; hỗ trợ có lộ trình của Nhà nước đối với các hoạt động xúc tiến thương mại đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu củng cố thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường mới, tiến tới doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2017 là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa” thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng của năm trước.

Trong thời gian tới Bộ Công Thương định hướng khuyến khích xúc tiến xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng. Đầu tiên là mặt hàng dệt may, đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá nhanh. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa khâu thiết kế mẫu mã, tăng hàm lượng xuất khẩu mặt hàng FOB, ODM, OBM thay vì chỉ gia công xuất khẩu như hiện nay để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và tăng hàm lượng giá trị cho hàng xuất khẩu. Để tránh cạnh tranh trực tiếp, doanh nghiệp có thể tìm thị trường ngách để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu phát triển xuất khẩu, đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm và đưa sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường nước ngoài; chia sẻ về hình thức xúc tiến thương mại cụ thể phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp nhằm phát huy khả năng sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ MPOS Việt Nam nói: Thế giới đã bước đầu vào kỷ nguyên số vì vậy ứng dụng thương mại điện tử vào xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu là cần thiết. Đây cũng là kênh phân phối có khả năng đưa hàng hoá tới người tiêu dùng rẻ và nhanh nhất.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: Do kinh phí hỗ trợ có hạn, công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm trọng điểm hơn. Cụ thể, phân nhóm ngành, doanh nghiệp và sản phẩm để hỗ trợ. Nhóm ngành, doang nghiệp nào đã trưởng thành sẽ hỗ trợ phát triển công tác truyền thông thương hiệu; nhóm nào cần tìm kiếm đối tác sẽ hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ triển lãm; nhóm nào cần đào tạo chuyên sâu về thương hiệu, thiết kế sẽ được tham gia các khóa huấn luyện./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất