Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 18/11/2016 15:30'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới

Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng công tác biên tập; xác định những điểm mạnh của đội ngũ biên tập viên; đồng thời nhìn nhận những điểm hạn chế của biên tập viên các nhà xuất bản để tìm ra những giải pháp khắc phục, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đối với biên tập viên, tổng biên tập các nhà xuất bản. Hội thảo cũng đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác biên tập, trình độ cho đội ngũ biên tập viên; xác định rõ trách nhiệm của nhà xuất bản đối với việc áp dụng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của biên tập viên; kiến nghị, đề xuất chương trình đào tạo mới phù hợp tình hình thực tiễn đối với các cơ sở đào tạo có chuyên ngành biên tập xuất bản cũng như chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để cập nhật thông tin, hướng dẫn những quy định mới của pháp luật, phổ biến những điều cần lưu ý trong công tác biên tập gắn với sự phát triển của đất nước. 

Khảo sát thực tế hiện nay ở 60 nhà xuất bản cho thấy số lượng biên tập viên là 1.159 người trên tổng số 5.601 lao động, chiếm 20,7%. Công tác đào tạo nguồn nhân lực biên tập, nhất là biên tập viên xuất bản ngày càng được chú trọng, đáp ứng sự gia tăng về số lượng các nhà xuất bản, chất lượng của xuất bản phẩm. Về chất lượng biên tập viên xuất bản có nhiều cải thiện đáng kể, nhất là về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, tạo nên bước chuyển biến mới để thích ứng với các đòi hỏi của kinh tế thị trường. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên ngày càng được tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Một số nhà xuất bản nhờ năng động, tìm tòi, có nhiều sáng tạo đã đáp ứng tốt yêu cầu mang đến nhiều sách hay, sách đẹp cho xã hội. 

Tuy vậy, thực tế cho thấy đội ngũ biên tập viên vẫn còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị; hiện còn thiếu đội ngũ biên tập viên chuyên sâu, lành nghề, các cán bộ biên tập “đầu đàn” và cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên có thể chủ động, tự tin làm việc với các tác giả là chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chức danh biên tập còn chưa được chuẩn hóa; trình độ của đội ngũ biên tập viên của các nhà xuất bản tổng hợp còn khập khiễng, không đồng đều; việc tăng cường giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm biên tập viên với các nước trong khu vực và các nước phát triển chưa được đánh giá cao... 

Khẳng định Đảng, Nhà nước có định hướng và chỉ đạo công tác biên tập xuất bản, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác xuất bản, về trách nhiệm của người làm công tác xuất bản có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn vậy, cần quan tâm tới việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nhà xuất bản; coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên của các nhà xuất bản; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với xuất bản trước yêu cầu mới. bên cạnh đó cần coi trọng định hướng phát triển, định hướng thông tin, đổi mới chính sách tài chính đối với hoạt động xuất bản; hoàn thiện, thực hiện nghiêm Luật Xuất bản và các quy định khác của Đảng trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản. Ngành chức năng cũng cần bổ sung chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho xuất bản phát triển, vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm trong hoạt động xuất bản; tiến hành nghiên cứu, triển khai các đề án nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ xuất bản và chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản; khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý của các cơ quan chủ quản đối với các đơn vị xuất bản thuộc quyền; xây dựng qui hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản; sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng chính qui, hiện đại, chuyên sâu, tập trung... 

Cùng chung quan điểm trên, Thạc sĩ Vũ Thủy Dương, Phó Trưởng khoa Xuất bản-Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại đề cao vai trò của nguồn nhân lực; cho rằng, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành xuất bản trong tình hình mới, cần đổi mới chương trình đào tạo cán bộ biên tập xuất bản. 

Bà Vũ Thùy Dương cũng đưa ra một số kiến nghị: Trong quy hoạch cụ thể về xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ viên chức của Ngành xuất bản từ nay đến 2030, cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước phải chỉ rõ được nhu cầu về số lượng, chất lượng cán bộ biên tập xuất bản; cần thống nhất nhận thức trong toàn Ngành về mô hình nhân cách người cán bộ biên tập xuất bản hiện đại, cụ thể hoá các chức danh cán bộ, viên chức. Lãnh đạo các đơn vị xuất bản cần nâng cao nhận thức, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập; tăng cường đầu tư cho xây dựng, phát triển các trung tâm thông tin, viện nghiên cứu khoa học về truyền thông, báo chí và xuất bản, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo cán bộ biên tập xuất bản./. 


Mỹ Bình/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất