Thứ Bảy, 7/12/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 30/10/2020 10:11'(GMT+7)

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo Tỉnh Quảng Ninh

Trong những năm qua, để không ngừng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.

VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở THÔN BẢN

Danh mục, số lượng các chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố được quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số lượng các chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố. Tại Quảng Ninh, ngày 07/12/2016, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND quy định các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố gồm có: Bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó trưởng thôn, bản, khu phố; trưởng ban công tác mặt trận tổ quốc; công an viên; thôn đội trưởng; bản đội trưởng; khu đội trưởng; cộng tác viên hoạt động công tác xã hội (dân số, gia đình và trẻ em, xóa đói, giảm nghèo…); nhân viên y tế thôn, bản; tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố; tổ viên tổ bảo vệ dân phố; đội trưởng đội dân phòng và đội phó đội dân phòng.

Với quy định như vậy, toàn tỉnh có khoảng trên 11.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố. Tại 24 xã khó khăn khu vực biên giới, hải đảo, qua kết quả khảo sát 1154 phiếu dành cho các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn bản, cơ cấu, trình độ cụ thể như sau: (1) Về độ tuổi: Phần lớn ở độ tuổi từ 35 đến 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao có 763/1154 người, chiếm 66,1%, độ tuổi dưới 35 có 321/1154 người chiếm 27,8%, độ tuổi trên 60 chiếm tỷ lệ thấp có 70/1154 bằng 6,1%. (2) Về trình độ: Trình độ học vấn phổ thông ở cấp tiểu học có 156/1154 người chiếm tỷ lệ 13,51 % (bao gồm đã tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp tiểu học). Trình độ trung học cơ sở có 499/1154 người chiếm 43,34%. Trình độ trung học phổ thông có 498/1154 người chiếm  43,15%. Người có trình độ đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên có 304/1154 người bằng 26,34%. Đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận từ sơ cấp trở lên có 511/1154 người bằng 44,28% (phần lớn là ở trình độ sơ cấp 421/511 người). Về trình độ tin học có 150/1154 người, bằng 12,99% được đào tạo cấp chứng chỉ (có 520/1154 người bằng 45,1% biết truy cập internet phần lớn là truy cập trên điện thoại).

Với số lượng, và trình độ đào tạo nêu trên, đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách thôn, bản tại các xã khó khăn khu vực biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh những năm qua, đã phát huy tốt vai trò là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cầu nối gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Họ là những người trực tiếp hằng ngày tiếp xúc, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, sinh hoạt văn hóa, tinh thần với nhân dân. Do đó, hơn ai hết, cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản là những người nắm bắt, thấu hiểu kịp thời nhất những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời trực tiếp đem chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia đối với miền núi, dân tộc, biên giới, hải đảo.

NÂNG CAO KỸ NĂNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG CHO NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trong đó có đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản. Bình quân mỗi năm, tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở trên 400 lớp, với trên 24.000 lượt cán bộ, đảng viên tham dự. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào các chương trình theo quy định, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương như: Bồi dưỡng cho đối tượng kết nạp Đảng; bồi dưỡng lý luận chính trị cho Đảng viên mới; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể; quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng công tác, tuyên truyền, vận động…

 Theo kết quả điều tra, khảo sát 6 tháng đầu năm 2020, có 78,9 % ý kiến học viên và 78,2% ý kiến giảng viên đánh giá nội dung các chương trình hiện đang triển khai là phù hợp; 62,5% học viên và 61,2% ý kiến giảng viên cho rằng nội dung giữa các chương trình học hợp lý, không có sự trùng lặp; 79,4% học viên cho rằng các chương trình học tập lý luận chính trị hiện nay đã có sự phân biệt rõ cấp học và đối tượng học.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì hoạt động 148 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 359 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.140 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 8945 hòa giải viên ở cơ sở; trên 6000 báo cáo viên của các cấp ủy đảng. Triển khai nhiều đề án PBGDPL, trong đó nổi bật là các Đề án: "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021"; “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021"; "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp " đến năm 2021”; "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016" đến năm 2021”; "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016" đến năm 2021; "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010-2015" đến năm 2020”; "Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền (dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020" và Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2016-2020”…Quá trình triển khai, thực hiện các đề án trên đây và kế hoạch PBGDPL hằng năm, trong 15 năm (2003-2018), toàn Tỉnh đã in, phát hành miễn phí gần 8,3 triệu bản tài liệu PBGDPL; tổ chức trên 90.600 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp thu hút gần 6,4 triệu lượt người; trên 2.500 cuộc thi các loại với trên 1,6 triệu lượt người tham dự; biên tập, thu phát trên 70.000 tin, bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó trên 200.000 lượt phát sóng trên các đài truyền thanh cấp xã; duy trì hoạt động 1.570 tổ hòa giải với 8.945 hòa giải viên và tỉ lệ hòa giải thành từ 75-80%…

Các hoạt động trên đây đã góp phần quan trọng vào bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức về lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đồng thời góp phần thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên, những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở còn một số hạn chế, bất cập như: Một số chương trình bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, nội dung chương trình so với trình độ nhận thức của học viên chưa thực sự phù hợp, chưa có tính khái quát, chưa gắn lý luận với thực tiễn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương, cơ quan, đơn vị có lúc chưa thường xuyên; công tác bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo chưa được thường xuyên, thiếu tính hệ thống; nguồn lực, chế độ đãi ngộ cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp…

Còn tồn tại những hạn chế, bất cập trên đây do những nguyên nhân sau:

Một là, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là cơ sở chưa quán triệt, thực hiện đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị, kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên; một số địa phương, đơn vị chưa phát huy tốt vai trò của các cơ quan tham mưu, giúp việc, đặc biệt là trung tâm bồi dưỡng chính trị, hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hai là, hoạt động của đoàn thể ở cấp cơ sở ở nhiều nơi có xu hướng hành chính hóa, tỷ lệ tập hợp thu hút đoàn viên, hội viên chưa cao, một số phong trào hoạt động của đoàn thể (môi trường thực tiễn rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản) còn hình thức, thiếu thiết thực, hiệu quả. Số lượng người hoạt động không chuyên trách được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn còn ít. Qua kết quả khảo sát tại các xã bàn miền núi, biên giới, hải đảo, có 57,36% số người được tham gia bình quân 1,4 lượt bồi dưỡng, tập huấn giai đoạn 2014-2020. Trong đó, được tham gia bồi dưỡng về công tác dựng Đảng và hệ thống chính trị (31,10%); bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước 17,24%; bồi dưỡng nâng cao kiến thức về trật tự, an ninh 26,94%; bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới 39,60%...

Ba là, tài liệu, giáo trình bồi dưỡng chưa được biên soạn bài bản, khoa học, hệ thống, một số chương trình còn nặng về lý thuyết, nội dung chưa phù hợp với đối tượng. Qua kết quả khảo sát lấy ý kiến người dạy và người học có 39,8% ý kiến đề nghị cần biên soạn, cấu trúc lại các nội dung chương trình theo hướng gọn, thiết thực hơn; 21,8% ý kiến đề nghị cần tích hợp một số chương trình với nhau. Nhiều ý kiến giảng viên, học viên đề xuất cần phải xây dựng hệ thống các chương trình theo hướng đảm bảo tính liên thông; phân định rõ trách nhiệm từng cấp, hạn chế tối đa sự trùng lặp nội dung

Bốn là, trình độ đào tạo của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn hạn chế. Qua khảo sát 1154 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản các xã biên giới, hải đảo vẫn còn đến 13,51% có trình độ học vấn phổ thông tiểu học, 55,72% chưa qua bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp trở lên. Có 522/1154 người (45,23%) trả lời còn thiếu kỹ năng, phương pháp tuyên truyền vận động do còn thiếu kiến thức về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; 478/1154 người (41,42%) trả lời còn hạn chế nhận thức về pháp luật có; 383/1154 người (33,18%) thiếu những thông tin về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; 272/1154 người (23,57%) thiếu kỹ năng tuyên truyền…

GIẢI PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG CHO ĐỘI NGŨ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH

Từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế trên đây, trước yêu cầu phát triển của tỉnh, đặc biệt để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025): “Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải hết sức chú trọng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trong đó cần tập trung các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về một số giải pháp, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới”, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp các ngành đối với công tác tuyên truyền. Các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động trên địa bàn và phải luôn xác định vai trò gương mẫu của các đảng viên và vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền, định hướng. Đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện và nắm bắt tình hình nhân dân.

Thứ hai, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Chú trọng công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, nhất là các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Thống nhất quan điểm xác định công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận chính trị, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở theo hướng, tập trung trang bị những kiến thức, thông tin cơ bản, thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy tốt hệ thống thiết chế thông tin cơ sở; khai thác tối đa những lợi thế của Internet, mạng xã hội trong lĩnh vực truyền thông; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình tâm huyết để xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, các trang thiết bị, tài liệu, sách, báo, định hướng thông tin cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tích cực vào công tác quán triệt, triển khai, đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đồng thời góp phần không ngừng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới,  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

ThS. Trần Thị Thu Trang

Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất