Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 21/11/2013 15:50'(GMT+7)

Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động

PGS.TS Đỗ Thị Thạch Viện CNXHKH phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Đỗ Thị Thạch Viện CNXHKH phát biểu tại Hội thảo

Ngày 21/1, tại Hà Nội, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) (Viện CNXHKH ) phối hợp với văn phòng Rosa Luxemburg (RSL) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế Cán bộ công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động – kinh nghiệm của Đức và thực tiễn của Việt Nam.

Hội thảo là một trong nhiều hoạt động của chương trình Hợp tác nghiên cứu giữa Viện CNXHKH và RSL năm 2013. Hội thảo  đã tập hợp được thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học hai nước Việt Nam và Đức, các cán bộ quản lý công đoàn và hoạt động công đoàn của Việt Nam về chủ đề bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Tiếp tục những nghiên cứu của năm 2012, với chủ đề “Công đoàn cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp FDI”, lần này, Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng cán bộ công đoàn cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích người lao động trong các doanh nghiệp FDI. Vấn đề này sẽ được giải quyết theo hai hướng: thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của Đức, theo đó, góp phần làm rõ hiện trạng, kinh nghiệm và đề xuất các khuyến nghị về chính sách để hỗ trợ cho cán bộ công đoàn (CBCĐ) cơ sở làm tốt hơn chức trách của mình.

 

Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo đã tập trung giải quyết những vấn đề:

Thứ nhất, hiện trạng về căn cứ pháp luật cho hoạt động của CBCĐ cơ sở ở các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam; Những kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật cho tổ chức và hoạt động công đoàn ở Đức; Những bất cập của pháp luật với thực tiễn gần đây và những kinh nghiệm cần được chia sẻ.

Thứ hai, hiện trạng cán bộ công đoàn các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam trong sự so sánh với yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; những bài học kinh nghiệm về thành công và chưa thành công trong công tác này.

Thứ ba, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp FDI qua thực tiễn các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội hiện nay có những điểm gì cần hoàn thiện. Kinh nghiệm của công đoàn Đức về vấn đề này như thế nào và có điểm gì mà các nhà quản lý chính sách công đoàn Việt Nam cần tham chiếu.

Thứ tư, công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBCĐ cơ sở hiện nay cần quan tâm đến nhóm cán bộ công đoàn trong loại hình doanh nghiệp FDI ở mức độ nào về nội dung và phương thức đào tạo. Kinh nghiệm của Đức trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong những năm gần đây.

Thứ năm, các nhà nghiên cứu, các nhà làm chính sách và cán bộ quản lý hoạt động công đoàn cần làm gì để kết nối họ chặt chẽ hơn trong mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động của công đoàn trong các doanh nghiệp nói chung và ở các doanh nghiệp FDI nói riêng.

Để giải quyết những vấn đề đưa ra, một số giải pháp  kiến nghị được đề xuất là:

Một là, nâng cao vai trò đại diện của công đoàn. Trong đó, đổi mới quy trình lựa chọn, bầu cử cán bộ công đoàn cơ sở theo hướng đề cao nguyện vọng của người lao động trực tiếp. Bổ sung quy trình giám sát hoạt động của người lao động đối với cán bộ công đoàn cơ sở, quy trình sa thải và xử lý cán bộ công đoàn cơ sở yếu kém, cơ chế “thưởng – phạt” đối với cán bộ công đoàn.

Hai là, bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp FDI. Cần phải có cơ chế, quy định của pháp luật và quy định của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm bảo đảm trên thực tế các quyền lợi về kinh tế - chính trị, pháp lý, việc làm – thu nhập và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn cơ sở. Đó là sự bảo đảm cần thiết để cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động vì quyền lợi của tập thể người lao động, thay vì chọn giải pháp an toàn thuần tuý cho bản thân.

Ba là,  bổ sung cơ chế xử lý các hành vi phân biệt đối xử đối với cán bộ công đoàn. Pháp luật cấm mọi hành vi phân biệt đối xử vì lý do công đoàn nhưng lại thiếu các quy định cần thiết đủ để nhận diện được chúng trong thực tế. Các quy định hiện hành không tạo đủ cơ sở pháp lý để giải quyết được một vụ việc phân biệt đối xử, trừ khi đó là hành vi vi phạm rõ ràng các quy định cụ thể của Bộ luật lao động.

Bốn là, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn. Hầu hết cán bộ làm công đoàn cơ sở không chuyên trách vẫn còn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, chưa được đào tạo về nghiệp vụ. Do đó, đại đa số công đoàn cơ sở chưa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, cần phải bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách (công đoàn trả lương) tại các doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp) FDI có đông lao động, quan hệ lao động phức tạp.

Năm là, thay đổi chiến lược và phương thức tập hợp đoàn viên. Đoàn viên công đoàn không nhất thiết phải thuộc công đoàn cơ sở. Nghiệp đoàn là hình thức phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hình thức này có ưu điểm nổi trội là có thể tập hợp được đoàn viên ở mọi nơi, bất kỳ ai. Vấn đề này cần có những nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất