Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 13/1/2014 21:19'(GMT+7)

Nâng cao năng lực, trình độ tham mưu của của cán bộ tuyên giáo các cấp

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Tiếp theo chương trình làm việc của Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, buổi chiều ngày 13-1, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương điều hành phát biểu tham luận. 

Những ý  kiến trách nhiệm, tâm huyết, thiết thực của cán bộ ngành Tuyên giáo

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang đã trình bày tham luận nội dung về kinh nghiệm đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo cấp huyện duy trì hội nghị báo cáo viên tại tỉnh, tại huyện, phân công báo các báo cáo viên trực tiếp thông tin thời sự cho toàn thể đảng viên của đảng bộ cơ sở, đảm bảo 3 tháng/lần đối với đảng viên ở xã, phường, thị thấn, 2 tháng/lần đối với đảng viên ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp. Hàng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông tin thời sự cho cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã nghỉ hưu và hội viên câu lạc bộ Tân Trào. Để tham gia việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.  Ngay từ đầu năm 2011, Ban đã biên soạn tài liệu dạng Hỏi – Đáp về xây dựng  nông thôn mới đăng trên bản tin Thông báo nội bộ; biên tập tài liệu tuyên truyền dành cho các báo cáo viên, tổ chức hội nghị báo cáo viên chuyên đề về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới… Sau gần 3 năm tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới là trên 4.960 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 576,5 tỷ đồng. Có thể thấy, để tham gia vào xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, Ban Tuyên giáo các cấp cần phải tập trung tuyên truyền sâu rộng vai trò chủ thể của các hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ trong chính nhân dân, tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Đồng chí Phạm Thanh Học – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động các cấp, các ngành, mọi người dân thấy được tính cấp bách, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Hà Nội đã rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho trẻ em. Hà Nội ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Đây là điểm mới, điểm nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Tuyên giáo Thành ủy với vai trò chủ trì sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, kịp thời tham mưu giúp lãnh đạo Thành phố chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em.

Trao đổi một số kinh nghiệm bước đầu trong tổ chức hoạt động của Hội đồng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn ở Sơn La, đồng chí Lò Mai Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, hoạt động của Hội đồng đã góp phần cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc bổ sung, phát triển các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đảng; tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh qua các nhiệm kỳ. Trong thời gian tới, đồng chí Lò Mai Kiên đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động lý luận, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy lý luận. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, mở rộng dân chủ và giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động lý luận.  Chú trọng công tác lý luận phê bình nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nghiên cứu; định kỳ xét, chọn và trao giải thưởng cho các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn.  Đồng chí Lò Mai Kiên cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu lý luận cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận ở các tỉnh.

Đưa ra những ý kiến về công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng của tỉnh, nhất là công tác tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Vũ Minh Tâm -  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết các cấp ủy và chính quyền đã quan tâm, đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Khmer. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức 10 cuộc họp mặt tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền về Lịch sử vùng đất Nam bộ và các chỉ thị, nghị quyết  của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là chương trình 135 hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn; về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo trong năm 2014

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Tại Hội nghị đã có 15 ý kiến phát biểu, vừa trao đổi những vấn đề chung của toàn Ngành, vừa trao đổi những vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực công tác tuyên giáo. Những ý kiến tham luận của các đại biểu đã phản ánh khách quan và thẳng thắn tình hình công tác tuyên giáo năm 2013, những kết quả quan trọng đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn và xây dựng của các đại biểu tham dự hội nghị. Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu để hoàn chỉnh Báo cáo phục vụ hoạt động của Ngành.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: công tác tuyên giáo năm 2013 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần trực tiếp và có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước. Nhìn lại toàn bộ công tác tuyên giáo năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực, từ lý luận chính trị, tuyên truyền, đến văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, từ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến các vấn đề xã hội, từ tuyên truyền trong nước đến tuyên truyền đối ngoại, hợp tác quốc tế, công tác tuyên giáo đã đạt được một số kết quả quan trọng nổi bật:

Một là, đã thực sự chủ động, tích cực, nhanh nhạy trong hoạt động, triển khai đúng và trúng nhiều nội dung công tác phù hợp và đáp ứng tốt yêu cầu của đất nước, do đó, công tác tuyên giáo đã góp phần hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo nên những bước phát triển mới của đất nước. Với những cố gắng to lớn, trên từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của Ngành, từ Trung ương đến cơ sở, đều đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Hai là, toàn Ngành đã bao quát toàn diện các lĩnh vực công tác, đồng thời chú trọng nắm bắt kịp thời tâm trạng xã hội, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và của các tầng lớp nhân dân; kết hợp tốt giữa việc nâng cao chất lượng tham mưu với năng lực tác chiến cụ thể, phân tích, đánh giá và tham gia xử lý kịp thời những sự kiện, vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Ba là, sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan ban, bộ, ngành chức năng và cơ quan tuyên giáo các cấp với các cơ quan, đơn vị cùng cấp trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã có một bước phát triển mới, là cơ sở tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. 

Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, trong năm 2014 và những năm sắp tới, toàn ngành cần phải làm nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực, trình độ tham mưu của của cán bộ tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở. Cán bộ tuyên giáo các cấp cần phải thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, rèn luyện năng lực phát hiện nhanh nhạy, sắc bén những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, từ đó đề xuất được những kiến nghị, giải pháp thích hợp, kịp thời.

Cán bộ tuyên giáo các cấp phải có năng lực tác chiến cụ thể, hàng ngày, biết phân tích, đánh giá các sự kiện, vụ việc, có khả năng tổ chức lực lượng phối hợp để cùng xử lý. Công tác tuyên giáo phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tiến hành, thực hiện phương châm thông tin hai chiều, tăng cường trao đổi, đối thoại, đặc biệt coi trọng thông tin từ dưới lên, hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, triển khai công tác tuyên giáo gắn với từng đối tượng cụ thể. 

Để hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu chất lượng rất cao mà Hội nghị đã thống nhất, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2014. Đó là:

Thứ nhất, công tác tuyên giáo cần phải khơi dậy và khích lệ niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường vươn lên để chấn hưng đất nước; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung tuyên truyền, cổ vũ, động viên các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, thách thức, thi đua thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014 cũng như thực  hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Thứ hai, năm 2014 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua. Đây là đạo luật cơ bản của Nhà nước ta, phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), tạo nền tảng chính trị - pháp lý cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Công tác tuyên giáo có trách nhiệm rất lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp sửa đổi, nhất là những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi; vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị, phản động.

Thứ ba, tập trung triển khai việc học tập, quán triệt và hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là các nghị quyết, chỉ thị liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tuyên giáo, như: Nghị quyết Trung ương 6 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Trung ương 8 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; các Nghị quyết, Kết luận mà Hội nghị Trung ương 9, Trung ương 10 sẽ ban hành.

Thứ tư, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu cho Trung ương và cấp ủy các cấp, nhất là công tác chỉ đạo, định hướng và quản lý hoạt động báo chí - xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục…; nâng cao chất lượng nội dung các đề án, chương trình công tác liên quan đến lĩnh vực tuyên giáo; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan xây dựng đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” sẽ trình Hội nghị Trung ương 9 sắp tới. 

Thứ năm, tham gia tích cực vào nhiệm vụ Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới đất nước; tích cực tham gia chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp trong năm 2015, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào đầu năm 2016.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thứ bảy, chủ động trong công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, sớm phát hiện và đánh giá đúng mức tác động của những diễn biến tư tưởng, tâm trạng tiêu cực trong xã hội, từ đó đề ra các biện pháp xử lý phù hợp, phòng ngừa đấu tranh đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’ trong nội bộ Đảng; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Thứ tám, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên giáo các cấp, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chính trị và trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Tổ chức tốt chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác tuyên giáo cho đội ngũ cán bộ của Ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục đề xuất chế độ, chính sách, cơ chế thỏa đáng để thu hút nguồn cán bộ có năng lực, tâm huyết cho ngành.

Từ những nội dung trọng tâm trên, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, bàn bạc với các cơ quan, ban, ngành liên quan, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác toàn diện và có lộ trình cụ thể. Toàn bộ các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo được bàn bạc và nhất trí trong Hội nghị này phải được đặt trong chương trình, kế hoạch công tác đó, đảm bảo tính toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm mà công tác tuyên giáo cần tập trung giải quyết phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương, của từng cấp, từng ngành.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất