Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 26/11/2013 17:10'(GMT+7)

Nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý bảo hiểm y tế

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT - các khuyến nghị và đề xuất. Tới dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế . Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương, BHXH Việt Nam; Bệnh viện đã khoa 15 tỉnh, thành phố phía Bắc…

Dự án “nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT” tại Việt Nam được thực hiện trong 2 năm, bắt đầu từ tháng 11/2011 theo đề nghị của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mục đích của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và mô hình quản lý về BHYT tại Việt Nam, tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân nhằm thực hiện công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau hai năm thực hiện dự án, có 6 đoàn chuyên gia Hàn Quốc đi thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hải Dương để thu thập tình hình thực tế và trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện tại địa phương; tổ chức 5 hội thảo tư vấn và xây dựng chính sách BHYT nhằm trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách BHYT của Hàn Quốc và thực tế của Việt Nam; tổ chức 2 lớp đào tạo tại Hàn Quốc với 31 cán bộ thuộc các Bộ, ngành liên quan đến xâydựng chính sách BHYT; tư vấn đề xuất thay đổi phương thức thanh toán; nghiên cứu các phương thức thanh toán và định hướng thay đổi phương thức thanh toán tại Việt Nam…

Phát biểu khai mac Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhận định: Sau 03 năm thực hiện Luật BHYT, đến nay BHYT ở Việt Nam đã bao phủ 67% dân số. BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo An sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, với mục tiêu BHYT toàn dân còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như một số vấn đề nảy sinh cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam rà soát và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và các văn bản liên quan, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng chính sách và quản lý BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: Hàn Quốc là một trong 4 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân chỉ sau 12 năm thực hiện với mức độ bao phủ 96% dân số. Nếu tính cả nhóm dân số được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh thì gần 100% dân số Hàn Quốc đã được  BHYT bao phủ. Vì vậy, những kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách BHYT của Hàn Quốc là rất quý báu để chúng ta tham khảo, vận dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Được sự đồng ý của hai Chính phủ, Bộ Y tế và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), sau hai năm thực hiện dự án “Nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt được mục tiêu đề ra, những kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào sự phát triển chính sách BHYT tại Việt Nam. Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn nhận được sự hợp tác phía Hàn Quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam thực hiện thành công BHYT toàn dân.

 
 Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo tư vấn chính sách BHYT tại Việt Nam, ông Yang In Seok, chuyên gia Cơ quan BHYT Hàn Quốc (NHIS) phân tích: Thách thức để thực hiện BHYT toàn dân tại Việt Nam là việc mở rộng phạm vi bao phủ, cụ thể là quản lý đối tượng, chống lựa chọn ngược, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh về đầu tư tài chính cho y tế, ngăn ngừa tình trạng người bệnh BHYT chỉ được sử dụng các dịch vụ thông thường; mở rộng khả năng đáp ứng dịch vụ y tế; cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua điều chính giá dịch vụ, giám gánh nặng chi từ tiền túi cá nhân; nâng cao hiểu quả quản lý. Để giải quyết vấn đề này, ông Yang In Seok đề xuất cần đơn giản hóa thành 5 nhóm đối tượng vào năm 2014 thay vì chia ra 25 nhóm đối tượng như hiện nay. Để chống lựa chọn ngược ông Yang In Seok cho rằng: cần quy định quyền tham gia và trách nhiệm phải đóng BHYT với mọi công dân; có quy định bắt buộc đối với hệ thống thu phí trong các trường hợp không tự giác đóng phí, nâng cao tuân thủ pháp luật; cái cách cơ chế hỗ trợ kinh phí với mục tiêu mở rộng bao phủ và công bằng; giảm gánh nặng đóng góp với người phụ thuộc đối với người lao động; cái cách quyền lợi và quy định về cùng chi trả; sửa đổi phương thức định suất; cải cách hệ thống giám định như xây dựng tiêu chí giám định và mẫu yêu cầu thanh toán chuẩn, thay đổi hệ thống giám định từ tại chỗ sang hệ thống giám định chuyên gia; điều chỉnh tỷ lệ chia sẻ mức đóng, cải cách hệ điều hành.

Tại hội thảo, đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế và các chuyên gia Cơ quan BHYT Hàn Quốc đã báo cáo việc triển khai, kêt quả thực hiện Dự án của Bộ Y tế; tư vấn chính sách BHYT tại Việt Nam; đánh giá chung về chính sách BHYT tại Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu thảo luận, chia sẻ, trao đổi các vấn đề thực hiện chính sách BHYT tại hai nước.

Hội thảo lần này là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHYT, trong đó tập trung vào nhận xét về chính sách BHYT; tham gia dự thảo Luật; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng danh mục thuốc, quản lý giá thuốc BHYT, bao gồm cả thuốc y học cổ truyền; sổ tay thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Qua thảo luận, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện văn bản, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong lĩnh vực BHYT./.

Tin, ảnh: Duy Hưng

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất