(TG) - Mặc dù Việt Nam đã có hành lang pháp lý khá tốt, có chủ trương nhất quán về vấn đề này, song tỷ lệ nữ được bầu vào các cơ quan dân cử lại vẫn luôn không đạt chỉ tiêu, không ổn định, miền xuôi không bằng miền núi...
Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, từ đó dẫn đến khó thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt.
Thực trạng này đã được bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban vì Sự tiến bộ của phụ nữ, chỉ ra tại cuộc Tọa đàm cấp cao diễn ra mới đây tại Hà Nội, bàn về các giải pháp tăng tỷ lệ nữ được bầu cử lên 35% vào năm 2016.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 24% tỷ lệ Đại biểu Quốc hội là nữ trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, giảm gần 3% kể từ năm 2002; tỷ lệ nữ được bầu cử tại hội đồng nhân dân cấp tỉnh và huyện là 25%, ở cấp xã là 21%.
Trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đặt chỉ tiêu có ít nhất khoảng 35% Đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân là nữ vào năm 2016. Mặc dù Việt Nam đã có hành lang pháp lý khá tốt, có chủ trương nhất quán về vấn đề này, song tỷ lệ nữ được bầu vào các cơ quan dân cử lại vẫn luôn không đạt chỉ tiêu, không ổn định, miền xuôi không bằng miền núi, cấp tỉnh, cấp huyện cao hơn cấp xã, cấp trung ương.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhận xét: Trong 3 cuộc bầu cử gần đây ở Việt Nam, chỉ có khoảng 32 - 34% ứng cử viên là phụ nữ, với tỷ lệ đưa vào để bầu còn ít hơn tỷ lệ trúng cử theo chiến lược đặt ra thì không thể đạt được mục tiêu. Vì vậy, nhiệm kỳ Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp 2016 - 2021, Việt Nam cần đảm bảo đưa vào khoảng 50% ứng cử viên là phụ nữ có đủ tiêu chuẩn và trình độ để cử tri lựa chọn. Thúc đẩy bình đẳng giới cần thực hiện ngay từ những lá phiếu bầu của cử tri mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Vẫn theo bà Chamberlain, việc hoạch định nhân sự trong cơ quan hành pháp cần rõ ràng và tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí cấp của Chính phủ, xóa bỏ sự khác biệt tuổi về hưu để đảm bảo bình đẳng về cơ hội, thăng tiến, được đào tạo, đảm bảo việc làm cho phụ nữ. Nam giới cần chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái để phụ nữ có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị và dịch vụ công./.
Việt Anh