(TG)-Theo Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, trong các văn kiện, Đảng luôn khẳng định công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một nội dung trọng tâm, là vấn đề then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng.
Ngày 8/11, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Quận ủy Phú Nhuận phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay” nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tại hội thảo, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đó, trong các văn kiện, Đảng luôn khẳng định công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một nội dung trọng tâm, là vấn đề then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng và Quy định số 47-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm, Đảng đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" và Quy định số 37-QĐ/TW thay thế Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm với những nội dung mới cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Phát, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW; đồng thời đánh giá thực tiễn với những kết quả đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, cũng như có các giải pháp, mô hình khả thi để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW.
Chia sẻ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quản lý đảng viên hiện nay, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công với tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Đồng thời, tập trung chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì lợi ích cá nhân mà có hành vi vi phạm những điều đảng viên không được làm; chống tư tưởng cầu an, co thủ không dám nói sự thật; không dám làm vì sợ rủi ro, mất cơ hội thăng tiến… Đây chính là tư tưởng đang cản trở sự phát triển đi lên của thành phố, cần được uốn nắn kịp thời.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các loại hình chi bộ bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu là việc làm trọng yếu, thường xuyên gắn với việc phát huy dân chủ trong đảng và phát huy dân chủ trong dân. Thực hiện tốt việc đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của người dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đánh giá cán bộ, đảng viên trên cơ sở sản phẩm cụ thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và trong mối quan hệ tốt, có uy tín với quần chúng nhân dân…
Từ thực tiễn tại địa phương về việc nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ giải pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Phú Nhuận chia sẻ từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2022, Ban Thường vụ Quận ủy đã tiến hành đánh giá 601 lượt cán bộ thuộc diện được phân cấp quản lý; thực hiện quy hoạch đối với 709 lượt cán bộ; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có 1.448 lượt cán bộ được đào tạo lý luận chính trị, 1.729 lượt cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn; thực hiện chế độ, chính sách cho 123 cán bộ; đã thực hiện điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý 1 trường hợp với kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục năm 2017 và 2018, đưa ra khỏi nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, kết quả đánh giá cán bộ giúp cho quận mạnh dạn thí điểm mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Trung ương phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương như mô hình kiêm nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị quận từ tháng 6/2018 đến nay và mô hình kiêm nhiệm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận từ tháng 5/2019 đến tháng 7/2021.
Đồng thời, điều này tạo nhiều điều kiện thuận lợi khi lãnh đạo việc tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2017-2021 đối với các phường chưa đạt 50% tiêu chí theo quy định, sau sắp xếp quận còn 13 phường, giảm 2 phường...
Để đưa các giải pháp đi vào thực tiễn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương, ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận cho rằng mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.
Đồng thời, xác định nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên là học tập và “làm theo” Bác bằng những hành động cụ thể, hằng ngày, bằng sự nêu gương tận tụy và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tạo sự lan tỏa tích cực trong Đảng, trong tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội.
Về công tác cán bộ, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý.
Mặt khác, theo ông Phạm Hồng Sơn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước gắn với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, suy thoái, “tự diễn biến," “tự chuyển hóa”./.
Hoàng Tuấn