Nếu sau 5 năm kể từ khi mở cửa Internet, Việt Nam mới chỉ có khoảng 3,1 triệu người dùng thì đến tháng 9/2012 số người dùng Internet đã tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên, Internet cũng có những mặt trái nhất định như nhiễu loạn thông tin, tội phạm công nghệ cao...
Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ người dùng Internet
Theo Báo cáo toàn cảnh 15 năm Internet Việt Nam, ở thời kì đầu tiên với Internet quay số “dial up”, từ năm 1997 – 2003, Việt Nam mới chỉ có khoảng 3,1 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số Việt Nam lúc đó). Tuy nhiên, với thời kỳ Internet băng rộng hữu tuyến, đánh dấu bằng sự ra đời của dịch vụ Internet ADSL (5/2003), số lượng người sử dụng Internet đã có sự gia tăng đột biến. Từ năm 2003 đến nay, với 19 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), tỷ lệ và số lượng người dùng Internet đã tăng gấp 10 lần và đạt hơn 31,1 triệu người dùng vào tháng 9/2012, trong đó hơn 20% trong số người sử dụng Internet hiện tại đã bắt đầu sử dụng Internet trong vòng 1-2 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, sự ra đời của dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G (10/2009) đã đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến, số lượng người dùng sau 3 năm (tính đến tháng 7/2012) đã lên tới 16 triệu người sử dụng (18% dân số Việt Nam).
Đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho thấy, đến năm 2011 Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ % người dùng Internet theo dân số. Cùng với sự bùng nổ của smartphone và dịch vụ nội dung trên mạng hiện nay, ITU dự kiến trong thời gian tới, số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. So với các nước khác, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tỷ lệ tăng 12.035% trong giai đoạn 2000-2010, trong khi Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ 1767%, Indonesia ở mức 1400%, Thái Lan khoảng 660%...
Bên cạnh số lượng người dùng Internet, dung lượng băng thông Internet quốc tế và trong nước cũng như tài nguyên Internet như tên miền .vn, địa chỉ IP cũng đã có những sự tăng trưởng rất nhanh từ năm 2003 cho đến nay, như số lượng tên miền .vn tăng 5.478 tên miền .vn năm 2003 lên 332.279 vào tháng 9/2012 (tăng khoảng hơn 60 lần), hay tổng số địa chỉ IPv4 đã cấp cũng tăng khoảng hơn 278 lần từ năm 2003 (152.064 địa chỉ) đến tháng 9/2012 (14.487.040 địa chỉ).
Tại buổi giao lưu trực tuyến “15 năm Internet Việt Nam” trên Zing TV vừa được tổ chức, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) chia sẻ, kể từ khi bắt đầu được cung cấp, cơ sở hạ tầng Internet Việt Nam từ con số 0 tròn trĩnh nay đã sánh ngang với các nước trên thế giới với đầy đủ các công nghệ hiện đại như kết nối Internet bằng cáp quang hay kết nối không dây 3G. Giá cước sử dụng Internet tại Việt Nam bây giờ cũng thấp hơn 100 lần so với 15 năm trước (năm 1997, giá cước Internet là 400 đồng/phút). Nhờ đó, Internet đã và đang góp phần lớn lao vào việc thay đổi cuộc sống, từ kinh tế, văn hóa đến các hoạt động vui chơi giải trí của người Việt Nam.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho biết, Internet tại Việt Nam đang phát triển như vũ bão khi 95% các xã ở nông thôn đã được nối cáp quang, 87% các xã sử dụng mạng ADSL. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một thực tế là dù 95% các xã đã có cáp quang nhưng có bao nhiêu người nông dân được sử dụng dịch vụ đó vẫn còn là một dấu hỏi, một trăn trở lớn của những người làm quản lý.
Không thể triệt tiêu mặt xấu của Internet
Báo cáo toàn cảnh 15 năm Internet Việt Nam khẳng định, sự phát triển của Internet cũng có những mặt trái nhất định như thông tin trên Internet sẽ ngày càng nhiều và khó kiểm soát được mức độ ảnh hưởng, độ chính xác của các tin được đưa lên Internet hay hoạt động của tội phạm công nghệ cao, tin tặc sẽ ngày càng phức tạp đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hiện tượng nghiện thế giới ảo ảnh hưởng không nhỏ đến thanh thiếu niên trẻ tuổi, dẫn đến việc mất cân bằng về tâm lý và sai lệch về lối sống, cần có sự kiểm soát tốt về mặt nội dung của các ứng dụng, trò chơi được đưa lên Internet cũng như chính sách cung cấp các nội dung này một cách hợp lý.
Theo TS. Mai Liêm Trực, câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn những hệ lụy từ Internet đã được đặt ra ngay từ thời điểm Internet được mở cửa tại Việt Nam (năm 1997). Nhưng ông khẳng định, chúng ta không thể ngăn chặn được hoàn toàn những mặt tiêu cực của Internet mà chỉ có thể áp dụng các giải pháp để hạn chế những tác động xấu của nó. Có 3 giải pháp được đưa ra, bao gồm thứ nhất là các giải pháp kỹ thuật như tường lửa hay các phần mềm quản lý. Thứ hai là các biện pháp quản lý hành chính, bao gồm việc ban hành các thông tư, quy định. Biện pháp cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, chính là việc nâng cao nhận thức của người dùng. Tuy nhiên, ông Trực cũng nhận định, chúng ta cần thêm thời gian để phổ biến, nâng cao ý thức của người dùng Internet.
ITC News