Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 5/10/2022 8:2'(GMT+7)

Nâng cao vai trò của truyền thông để bảo vệ quyền con người

(Ảnh minh hoạ: MIC)

(Ảnh minh hoạ: MIC)

Ngày 14/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam (Đề án) đồng thời xem đây là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.

Một trong ba nội dung quan trọng mà Đề án hướng đến là phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Cụ thể, Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng. Từ đó, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường hợp tác liên ngành giữa các cơ quan chức năng, nhất là các đơn vị báo chí, truyền thông.

Đề án cũng giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiến hành tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước, xây dựng lập luận đấu tranh với các thông tin sai lệch về tình hình bảo đảm quyền con người thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Bộ Công an cũng có trách nhiệm cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động cung cấp thông tin chính thức về các vụ việc, đối tượng được quốc tế quan tâm; giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam.

Thực tế, các nội dung này đã được đề cập trước đó trong một số văn bản của Chính phủ liên quan đến truyền thông về quyền con người như: Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 2/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người,… Từ đó, công tác chống tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng nói riêng và trong cộng đồng nói chung đã thu được những kết quả tích cực.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2022, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.374 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 91%), 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em. Tương tự, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, YouTube và TikTok cũng đã gỡ bỏ hàng nghìn video có nội dung độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhận thức của thanh thiếu niên Việt Nam. Nhờ sử dụng công nghệ và thuật toán rà quét, các nhà cung cấp mạng xã hội này đã tự động gỡ bỏ hàng triệu nội dung có chứa nội dung xâm hại quyền con người.

Bất chấp những kết quả tích cực đã đạt được, tình hình tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người, quyền công dân Việt Nam trên không gian mạng vẫn đang diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí vẫn không ngừng tung ra các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành tựu quyền con người của Việt Nam. Một số hội, nhóm thường xuyên tổ chức các hoạt động chống phá núp dưới vỏ bọc “thư ngỏ”, “báo cáo nhân quyền”, “báo cáo tự do tôn giáo”, “báo cáo tự do báo chí”, “đề án dân quyền”,…

Không chỉ vậy, các đối tượng cũng thường xuyên gửi cáo buộc sai sự thật, vô căn cứ về tình hình quyền con người tại Việt Nam tới Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trắng trợn hơn, nhiều fanpage, website, tài khoản đại diện của các hội nhóm này còn công khai thừa nhận đây là “chiến lược”, “chiến thuật” để can thiệp, gây sức ép với các nước lớn, tổ chức quốc tế nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế, cấm vận phi lý đối với nước ta.

Đáng buồn là một số cá nhân vì bất mãn chế độ cùng nhiều động cơ đen tối khác đã hợp tác, tiếp tay cho các tổ chức phản động này. Ngày 18/4/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Thị Ngọc Xuân và 11 đồng phạm thuộc tổ chức khủng bố “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” vì phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, dưới vỏ bọc hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, những đối tượng này đã lôi kéo một số người dân tham gia bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” trực tuyến, ủng hộ Đào Minh Quân, kẻ cầm đầu tổ chức phản động “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Mới đây, ngày 25/9, chia sẻ trên các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại, một thành viên chủ chốt của tổ chức khủng bố “Việt Tân” thậm chí còn khoe khoang rằng đã chiêu mộ được một số phần tử trong nước có “kinh nghiệm cọ xát, lăn lộn” để “làm việc ngày đêm”. Nhờ những chân rết này, các tổ chức phản động có cơ hội lan truyền nhiều thông tin xấu độc về quyền con người, gây hoang mang trong nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của một bộ phận người dân cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc về quyền con người trên không gian mạng. Nhiều quan điểm, nhận định ngụy khoa học về giới, kỳ thị giới tính, phân biệt đối xử về dân tộc,… được chia sẻ tràn lan trên Facebook, YouTube, TikTok gây tác động tiêu cực đến cộng đồng. Bên cạnh đó nạn đổ lỗi cho nạn nhân (Victim blaming), bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying), xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân, xúc phạm danh dự, uy tín người khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Ngày 14/7/2022, thông tin về việc một cô gái trẻ mất tích bí ẩn sau khi rời phòng trọ đã bị nhiều trang thông tin giải trí tổng hợp chia sẻ với mục đích “câu view”, “câu like”. Hệ quả nghiêm trọng là có hàng chục nghìn bài viết, lượt bình luận mang tính giễu cợt, xúc phạm nạn nhân và gia đình đã được đăng tải trên không gian mạng. Tương tự, thông tin một nữ du khách bị hiếp dâm ở một nhà nghỉ tại tỉnh Hà Giang trong những ngày qua liên tục bị không ít người “mổ xẻ” với mục đích đổ lỗi cho người bị hại với những cáo buộc vô căn cứ như: nạn nhân muốn “giăng bẫy” nghi phạm, bịa đặt câu chuyện thương tâm để nổi tiếng...

Những thí dụ nêu trên phần nào cho thấy sự phức tạp và mức độ nghiêm trọng của nạn thông tin sai lệch, thông tin xấu độc xâm phạm quyền con người trên không gian mạng. Ngày 19/2/2021, nghiên cứu “Văn minh, An toàn và Tương tác trực tuyến” của Tập đoàn Microsoft đã ghi nhận trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt trong mùa dịch. Song, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý chỉ số DCI (Văn minh trên Không gian mạng) của Việt Nam “kém hơn nhiều so với trung bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, nhất là ở hai hạng mục xúc phạm và phân biệt đối xử.

Như vậy, việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam là phù hợp tình hình hiện nay, minh chứng cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Các nội dung của Đề án hướng đến sự phối hợp giữa công tác giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam với công tác phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người.

Theo đó, giáo dục kiến thức về quyền con người, tuyên truyền về quyền con người có ảnh hưởng lớn đến sự thành công trong nhiệm vụ phòng, chống, phản bác thông tin xấu độc, xâm phạm quyền con người. Chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan, xem nhẹ các luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền được các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí liên tục tung ra trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh các đối tượng phản động cực đoan xem đây là chiêu bài chính trong âm mưu hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chính quyền nhân dân.

Việc đẩy mạnh phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, công ty quảng cáo, truyền thông trong việc xử lý thông tin xấu độc, tiêu cực về các quyền con người cần nâng lên một bước mới. Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc về quyền con người tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng loạt fanpage, trang tin tổng hợp có pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam cũng thường xuyên có những hành vi xâm phạm quyền con người như: làm lọt, lộ thông tin cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, cung cấp nội dung trái thuần phong, mỹ tục,… Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Về phía các cơ quan báo chí, truyền thông cũng chưa có nhiều tiếng nói phê phán, lên án mạnh mẽ đối với các hành vi dung túng, tiếp tay cho hành vi xâm phạm quyền con người.

Chính vì thế, để đạt được mục tiêu giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng được nêu trong Đề án, các cơ quan chức năng cần phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa trong công tác chuyên môn và các hoạt động hợp tác, phối hợp liên ngành, liên bộ; đồng thời kêu gọi sự hợp tác, chung tay của cộng đồng để bảo vệ môi trường mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân./.

Quang Minh (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất