Chiều 3/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và
nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã tổ chức phiên họp lần
thứ 3. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án chủ trì phiên họp.
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động
giám định tư pháp (Đề án 258), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho
biết Đề án đã có tác động mạnh mẽ, hoạt động giám định tư pháp có bước
phát triển nhiều mặt, nâng cao hiệu quả đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố
tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Theo Ban chỉ đạo 258, sau khi Luật giám định tư pháp được ban hành và
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định
tư pháp theo Quyết định số 1549/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã có
những giải pháp kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của Đề án với thi hành
Luật giám định tư pháp, như tiếp tục phổ biến nội dung Đề án gắn với quy
định của Luật giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử, mở các
chuyên mục pháp luật và cuộc sống trên các phương tiện thông tin đại
chúng, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật cho các đối tượng cán
bộ, công chức người giám định thuộc thẩm quyền quản lý.
Một trong những tồn tại đặt ra trong quá trình triển khai Đề án đó là
còn nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành chậm, ảnh hưởng
không nhỏ tới hoạt động giám định. Theo kế hoạch, mỗi bộ quản lý chuyên
ngành phải ban hành tối thiểu ba thông tư, tuy nhiên mới chỉ có bảy bộ
ban hành 42 văn bản, còn một lượng lớn văn bản nợ đọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, một phần do quy định chi tiết
xây dựng các thông tư đòi hỏi chuyên môn sâu do vậy cần thời gian nghiên
cứu, một phần do kinh phí chi cho hoạt động còn hạn chế.
Trong khi đó, đại diện Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết Bộ
cũng đã xây dựng xong dự thảo Thông tư quy định chi tiết bổ nhiệm, miễn
nhiệm giám định viên tư pháp, tuy nhiên đang chờ ý kiến của các bộ liên
quan.
Cũng theo đại diện Viện này, Bộ Công an đã xây dựng các quy trình giám
định hình sự pháp y tiêu chuẩn quốc gia, năm 2013 đã xây dựng xong 30
tiêu chuẩn quốc gia về quy trình giám định tư pháp, năm 2014 sẽ hoàn
thành thêm 20 quy trình còn lại.
Đại diện Viện Pháp y quốc gia băn khoăn đưa ra thực trạng nguồn nhân lực
ở viện này, trong khi đội ngũ giám định viên của viện chuẩn bị nghỉ
hưu, suốt tám năm qua viện mới tuyển được một bác sỹ nữ, còn bác sỹ nam
tuyệt nhiên không ai về.
Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, một địa phương có nhu cầu giám định tư
pháp lớn, cho biết, giai đoạn 2008-2009 phần lớn giám định viên không
yên tâm làm việc và đề nghị trả thẻ, Ban chỉ đạo cải cách giám định tư
pháp của Thành phố đã xây dựng đề án và đi thẳng vào những vấn đề vướng
mắc.
Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ bổ sung được 64 giám định viên, nâng tổng số
lên 226 giám định viên, so với thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu và
phần lớn số giám định viên hiện nay vẫn kiêm nhiệm.
Cũng theo đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, đa số không ai muốn làm nghề
giám định viên, mặc dù hiện nay một số chính sách cho đối tượng này đã
tốt hơn trước.
Chia sẻ về các chính sách tài chính cho hoạt động giám định tư pháp, Thứ
trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết mặc dù ngân sách khó
khăn, nhưng trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, kinh phí cho lĩnh vực này
Bộ Tài chính chưa bao giờ cắt giảm.
Theo Thứ trưởng, Nghị định về chi phí giám định đang được Bộ xây dựng và
dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua trong tháng 5/2014.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng
thắn chỉ ra hai tồn tại. Đó là nhận thức của toàn xã hội về công tác
giám định pháp y chưa rõ nên số người tham gia công việc này còn hạn
chế. Sự phối hợp của các bộ ngành, vấn đề nợ văn bản dẫn tới nhiều chủ
trương, chính sách chưa được đưa vào áp dụng.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương, các Bộ ngành cần
quan tâm đúng mức vấn đề này. Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập tổ chức giám định pháp y theo
quy định của Luật giám định tư pháp cần sớm thành lập để bảo đảm hoạt
động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Luật cho phép xã hội hóa công tác giám định,
các Bộ, địa phương cần tính toán xã hội hóa, phần nào nhà nước đảm trách
để nhà nước làm, phần nào có thể xã hội hóa được nên cho phép xã hội
hóa, Bộ Tư pháp phân cấp vấn đề này.
Năm 2014, mỗi thành viên Ban chỉ đạo cần tích cực, chủ động hơn nữa
trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công, sớm ban hành
các quy chuẩn ngành, các văn bản hướng dẫn. Cần chủ động rà soát kiện
toàn đội ngũ giám định viên đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất, khẩn trương
thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 1/1/2014 của Thủ
tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp là bộ phận thường trực có trách
nhiệm tiếp tục theo dõi, đôn đốc các thành viên và tham mưu định kỳ cho
Ban chỉ đạo./.
(TTXVN)