Hiện nay, có 63 câu lạc bộ ở 14 tỉnh, thành trên cả nước có hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Đó là tin vui đối với những người làm công tác kiểm kê ca trù trong suốt năm qua.
Nhưng sau công tác kiểm kê, ca trù cần được bảo tồn như thế nào trong đời sống sinh hoạt hiện đại ngày nay là một vấn đề không đơn giản. Đề xuất cho ra đời Hiệp hội ca trù hoặc Câu lạc bộ Ca trù Việt Nam với mục đích là tổ chức để liên kết, thẩm định và phát triển các câu lạc bộ ca trù trên toàn quốc là một tất yếu đối với loại hình âm nhạc cổ truyền này.
Những con số kiểm kê đáng quý
Bộ hồ sơ “Hát ca trù người Việt” theo tiêu chí mới vừa được Viện Âm nhạc công bố bao gồm 6 mẫu biểu kiểm kê ca trù tại 14 tỉnh, thành và 12 mẫu biểu kê tư liệu ca trù đang lưu giữ tại Viện Âm nhạc. Những số liệu này được tập hợp trong hai cuốn sách với nhan đề: Tập 1 - Kiểm kê ca trù tại các tỉnh, thành và Tập 2 - Kiểm kê tư liệu ca trù tại Viện Âm nhạc.
Việc kiểm kê ca trù tại 14 tỉnh, thành mang lại nhiều số liệu khả quan cho nghệ thuật đang bị mai một này. Trong số 63 câu lạc bộ của các tỉnh, thành, có 769 người (bao gồm 513 đào nương và 256 kép đàn và người đánh trống chầu) số người biết đàn, hát và múa. Tuy nhiên số lượng nghệ nhân có thể hát được từ 10 làn điệu trở lên không nhiều.
Hiện tại, chỉ có 5 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có kê khai về múa trong ca trù. Riêng về số lượng di tích liên quan tới ca trù, có 99 di tích trên cả nước còn ghi lại dấu tích. Nhưng, trong đó 3 địa danh có tồn tại hoạt động ca trù thường xuyên như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh lại không có di tích liên quan tới ca trù.
Hà Nội sau khi sát nhập với Hà Tây trở thành địa phương có số lượng người biết đàn, hát ca trù và tổ chức sinh hoạt ca trù nhiều nhất, thường xuyên nhất. Tổng số người biết đàn, hát, múa lên tới 188 người; có tới 13 câu lạc bộ ca trù đang hoạt động; số lượng di tích liên quan tới ca trù là 49.
Trong khi đó, phần kiểm kê tư liệu ca trù tại Viện Âm nhạc cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO những con số đáng quý. Hiện nay, tại Viện Âm nhạc thống kê tư liệu đã lưu trữ được 7 điệu múa ca trù và 42 bài bản ca trù. Các văn bản Hán Nôm về ca trù lên tới con số 26 bản và khoảng 25 cuốn sách về ca trù.
|
Câu lạc bộ ca trù Thăng Long - 1 trong 13 câu lạc bộ khá tích cực trong hoạt động lưu giữ và truyền dạy ca trù tại Hà Nội |
Câu lạc bộ ca trù làng Chanh Thôn – Phú Xuyên – Hà Nội sau 60 năm bị lãng quên (1945 - 2007) vừa mới được phát hiện cũng đã bổ sung thêm vào danh sách các nghệ nhân ca trù 3 cụ trên 80 tuổi gồm cụ Vũ Văn Khoái, Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu.
Lời giải cho bài toán ca trù đang bị “tam sao thất bản”
14 tỉnh, thành hiện nay có dấu tích của ca trù cũng đang phải đối mặt với tình trạng “tam sao thất bản”. Thời gian quá lâu ca trù bị mai một, lớp nghệ nhân cao niên không còn nhiều, tuổi cao sức yếu nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Chưa kể tới, trong số 63 câu lạc bộ ca trù đang hoạt động hiện nay, có nhiều nơi xây dựng chủ yếu dựa trên sự yêu thích và tri ân với nghệ thuật ca trù, nhưng lại thiếu những căn bản chuẩn của bộ môn nghệ thuật này trong việc trình diễn và truyền dạy, do đó việc “tam sao thất bản” là không thể tránh khỏi.
Việc lưu giữ, kiểm kê được vốn tài sản quý báu trong nghệ thuật dân gian của dân tộc trong thời gian qua là cố gắng của rất nhiều cơ quan, các nhà nghiên cứu để trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”. Tuy nhiên, sau kiểm kê, việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật này thế nào lại là điều bức thiết không chỉ với các cơ quan quản lý, mà đối với cả các câu lạc bộ đang hoạt động lưu giữ ca trù.
Do đó, đòi hỏi đối với 63 câu lạc bộ đang hoạt động ca trù hiện nay là cần thiết sự có mặt của một Hiệp hội ca trù hoặc Câu lạc bộ ca trù Việt Nam để vừa làm việc chuyên môn vừa làm công tác tổ chức, đưa hoạt động ca trù vào chuyên nghiệp.
Sau 60 năm bị thất truyền, ca trù không thể tránh khỏi những mất mát về cơ cấu tổ chức, luật lệ riêng trong giới nghề, phân biệt thứ bậc các danh ca, hệ thống bài bản, những chuẩn mực khuôn thước cơ bản của nghệ thuật ca trù… Đào nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đề xuất “Viện Âm nhạc nên thành lập những đơn vị tổ chức do những người có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thông qua ý kiến các nghệ nhân lão thành, thông qua các thư tịch cổ để xây dựng lại một hệ thống tổ chức cho làng ca trù trong xã hội Việt Nam đương đại”.
|
Cần có Hội đồng thẩm định để đưa hoạt động ca trù đi vào hoạt động chuyên nghiệp |
Chuyện bài xích lẫn nhau giữa các câu lạc bộ, nhất là tại Hà Nội về chuẩn mực trong hát múa ca trù, trong hoạt động giáo phường không phải chưa từng xảy ra. Việc lập Hiệp hội ca trù với hội đồng nghệ thuật có trình độ thẩm định về chuẩn mực nghệ thuật này là đòi hỏi tất yếu và cần thiết với việc đưa ca trù chính thống tới khán giả trong và ngoài nước.
Hội đồng này sẽ đưa ra các quy chuẩn kiến thức cơ bản để có tiếng nói chung, thống nhất với những câu lạc bộ đang hoạt động làm thất bản các làn điệu ca trù cổ truyền, những cách tân phá hỏng ca trù. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chính là nơi thẩm định, đánh giá các “lễ mở xiêm y” cho các nghệ nhân trẻ đã được đào tạo và có khả năng ca hát. Hội đồng cũng chính là sự hội tụ của trí tuệ để sớm cho ra mắt một hệ thống giáo trình, sách vở về ca trù, không chỉ lưu giữ bằng hình thức truyền miệng như hiện nay.
Bên cạnh đó, chủ nhiệm các câu lạc bộ ca trù của 14 tỉnh, thành cũng đề xuất, trong quá trình kiểm kê, Viện Âm nhạc nên đưa ra quy định rõ, tuổi của người được công nhận nghệ nhân là bao nhiêu; với người đánh trống chầu và người sáng tác lời bài hát cho ca trù sẽ được tôn vinh như thế nào… Các cơ quan hoạt động nghệ thuật nên có kế hoạch mở các cuộc thi, hội diễn ca trù thường kỳ. Bên cạnh đó, cần tăng cường mời các nghệ nhân để truyền dạy, tránh tình trạng tam sao thất bản.
Kinh phí cũng là vấn đề đau đầu với các câu lạc bộ ca trù. Những ca nương, đào đàn hầu hết xuất phát từ lứa tuổi học sinh hoặc làm nông nghiệp, kinh tế không dư dả. Các nghệ nhân cao niên đã tuổi cao, sức yếu, cần có chính sách hỗ trợ để các cụ có sức khoẻ thực hiện công tác truyền dạy ca trù. Để thực hiện việc bảo tồn và duy trì ca trù, Nhà nước nên ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ Ca trù.
Thẩm định và tổ chức kiểm kê, bảo tồn di sản văn hoá ca trù là một việc cần kíp để khẳng định sức sống của của thể loại âm nhạc cổ truyền này. Hiện nay, hồ sơ ca trù trình UNESCO đang được thẩm định, chờ ngày phán quyết vào cuối năm 2009. Với tên gọi “Ca trù – di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, hy vọng những động thái mới đây trong việc bảo tồn và truyền dạy sẽ đưa ca trù thành loại hình hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hơn.
(Theo VnMedia)