Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 6/11/2010 15:27'(GMT+7)

Nền kinh tế mới của Nga: “Kinh tế ảo” hay kinh tế thực?

game mạng xã hội FarmVille với hơn 62 triệu người tham gia trên mạng Facebook. Ảnh minh họa

game mạng xã hội FarmVille với hơn 62 triệu người tham gia trên mạng Facebook. Ảnh minh họa

Vừa qua, phát biểu tại một cuộc tranh luận ở Đu-ma Quốc gia Nga, ông Vích-to Véc-xen-béc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ cao “Skolkovo” (tương tự như “Thung lũng Si-li-côn” của Mỹ), tuyên bố rằng trong vòng một năm, Nga phải xây dựng xong mạng thông tin tương tự như mạng “Google” hoặc “Yahoo” của Mỹ. Còn hai quan chức khác trong Ủy ban trực thuộc Tổng thống Nga phụ trách về hiện đại hóa, ông Y-u-ri Min-nhe và Ép-ghê-nhi Ca-xpe-xki, cũng đang nghiên cứu các đề án xây dựng mạng In-tơ-nét và sản xuất chương trình cho máy tính điện tử. Theo họ, chiến lược hiện đại hóa nước Nga có liên quan mật thiết với các loại công nghệ mới, trước hết là công nghệ khai thác và sử dụng không gian ảo của mạng In-tơ-nét và các hệ thống trao đổi dữ liệu. Và, dường như nền kinh tế dựa trên khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ của nước Nga đang bắt đầu lùi vào quá khứ và nước Nga đang chuẩn bị cho một bước đột phá vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức sử dụng không gian ảo, hay là nền “kinh tế ảo”.

Vậy, một câu hỏi được đặt ra là, nếu đi theo hướng xây dựng nền “kinh tế ảo”, liệu nước Nga có thể tạo ra sự thần kỳ như ở Mỹ hay một số nước phát triển cao?

Trên thực tế, thế giới đã từng chứng kiến những chuyện thần kỳ trong ngành “kinh tế ảo” dựa trên cơ sở mạng In-tơ-nét và công nghiệp lập trình cho máy tính điện tử. Nhưng thử quan sát nền kinh tế các nước phát triển cao và cơ cấu kinh tế của họ để xem tỷ phần “kinh tế ảo” dựa trên cơ sở dịch vụ In-tơ-nét và công nghệ sản xuất chương trình máy tính điện tử ra sao.

Năm 2009, “kinh tế ảo” chiếm 1,2% GDP và 0,8% nhân công lao động ở Mỹ. Con số tương ứng ở EU là 0,5% GDP và 0,4% số nhân công. Trong khi đó, công nghiệp dược phẩm chiếm 1,9% GDP và 1,4% nhân công ở Mỹ, còn những con số tương tự của công nghiệp dược phẩm ở EU là 1,8% GDP và 1,5% nhân công. Ngành chế tạo ô-tô tạo ra 2,7% GDP và chiếm 2,2% nhân công ở Mỹ; chiếm 2,9% GDP và 2,1% nhân công ở EU. Các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu như giáo dục, bảo đảm y tế, kinh doanh khách sạn cũng là những lĩnh vực công nghệ cao nhưng hoàn toàn không phải là “kinh tế ảo”.

Còn thu nhập của các hãng “kinh tế ảo” chuyên sản xuất máy tính hàng đầu thế giới như Misrosoft cũng thua kém các hãng kinh tế thực. Theo số liệu tổng kết năm 2009, thu nhập của hãng Microsoft thấp hơn 3,6 lần so với hãng Toyota; thu nhập của hãng Google nhỏ hơn 4,8 lần so với hãng Siemens; còn thu nhập hãng của Yahoo ít hơn 9,1 lần so với Nokia. Phần đóng góp của các hãng “kinh tế ảo” trong tạo ra việc làm còn ít hơn nữa: số việc làm của Google thấp hơn 18,6 lần so với số việc làm của hãng chế tạo ô-tô Volkswagen; số việc làm của Yahoo thấp hơn 21,9 lần so với số việc của General Electric. Tuy tên tuổi của các hãng khổng lồ trong ngành “kinh tế ảo” được biết đến trên khắp thế giới nhưng đa số các hãng đó không đóng vai trò quyết định tạo nên diện mạo nền kinh tế của các nước phương Tây.

Sở dĩ các hãng hoạt động trong lĩnh vực “kinh tế ảo” làm choáng ngợp các nhà hoạch định chính sách và các tỉ phú ở Nga chủ yếu là do khả năng nắm bắt được cơ hội thị trường của họ. Thí dụ, tài sản của hãng Microsoft tính đến ngày 1-7-2010 ước tính là 201,7 tỉ USD, còn tài sản của hãng Google ước tính là 109,3 tỉ USD, nhưng không nên quên rằng những hãng này ngay từ đầu đã định hướng vào thị trường toàn cầu và là những hãng đi đầu trong lĩnh vực này, đồng thời được hình thành và phát triển ở Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao nhất và tự do nhất thế giới. Ở Mỹ, lĩnh vực lập trình và dịch vụ máy tính nhận được khối lượng đầu tư cơ bản đứng ở vị trí thứ ba, vào khoảng 884,1 tỉ USD tính đến cuối năm 2009, tương đương với khối lượng đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt (928,7 tỉ USD) hoặc công nghiệp dược (843,9 tỉ USD).

Trong khi đó, ở châu Âu, khối lượng đầu tư cơ bản của các ngành “kinh tế ảo” chỉ chiếm vị trí thứ 19 với tổng vốn là 98,9 tỉ USD so với số vốn 1189,9 tỉ USD của ngành dầu mỏ và 652,9 tỉ USD của ngành dược. Ở Nhật Bản và Trung Quốc, tình hình các ngành “kinh tế ảo” còn khiêm tốn hơn. Điều này có nghĩa là, những người Nga ủng hộ quan điểm tạo ra sự đột phá trong ngành “kinh tế ảo” sẽ không có cơ hội để đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh ở phương Tây. Trong khi đó, chiến lược ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao thực là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì không chỉ các nước châu Âu mà cả Nhật Bản và hiện nay là Trung Quốc đã và đang cạnh tranh “ngang ngửa” với Mỹ trong lĩnh vực chế tạo ô-tô, sản xuất thép, công nghiệp hóa học và nhiều ngành công nghiệp thực khác.

Nền “kinh tế ảo” do cuộc cách mạng máy tính tạo ra còn có một tính chất rất đặc trưng nữa là, sản phẩm của nó được cải tiến và hoàn thiện với tốc độ cực nhanh, đồng thời cũng giảm giá với tốc độ chóng mặt. Từ năm 1985 đến năm 2010, chi phí trung bình cho 1 phút gọi điện thoại giữa châu Âu và Mỹ giảm 310 lần. Hiện nay, với công nghệ gọi điện thoại quốc tế của hãng Skype (E-xtô-ni-a), thì giá cước gọi điện thoại xuyên hành tinh gần bằng 0. Cũng trong thời gian từ 1985 đến năm 2010, dung lượng bộ nhớ trung bình của một ổ cứng máy tính điện tử tăng 1,2 triệu lần, còn tốc độ tính toán của máy tính tăng 90.000 lần, nhưng giá của máy tính giảm 4-6 lần. Hãng máy tính IBM trong thời kỳ đó tung ra thị trường khoảng 60 loại máy tính khác nhau. Liệu nước Nga có thể cạnh tranh được với các đối thủ của phương Tây trong lĩnh vực “kinh tế ảo”? Rõ ràng, nền kinh tế ảo không tương hợp với văn hóa kinh doanh của Nga vốn có tính trì trệ khá nặng.

Vậy nên, ông Vla-đi-mia I-nô-dem-xép, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội hậu công nghiệp ở Nga, cho rằng chiến lược hiện đại hoá nước Nga sẽ thành công nếu nó hướng vào hiện đại hoá các kinh tế thực dựa trên cơ sở các công nghệ cao thực, như chế tạo máy, chế tạo máy bay, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp hoá chất, công nghệ dược phẩm, nhằm trước hết đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn của nước Nga và xuất khẩu. Đặc biệt, việc chú trọng phát triển công nghệ trong nông nghiệp cũng sẽ đem lại lợi ích to lớn. Bởi vì, nước Nga sở hữu một diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thế giới, có thể sản xuất nông sản đủ để nuôi sống cả thế giới. Từ đó, ông Vla-đi-mia I-nô-dem-xép khẳng định, chiến lược hiện đại hoá nước Nga nên ưu tiên phát triển kinh tế thực, chứ không phải là quá chú trọng phát triển “kinh tế ảo”./.

Theo Lê Minh Hoàng (TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất