Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/11/2010 10:59'(GMT+7)

Cần biện pháp mạnh để giữ CPI ở một con số

TS Vũ Đình Ánh

TS Vũ Đình Ánh

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 tăng 1,05%, mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Đến hết tháng 10/2010, CPI đã tăng 7,6% so với cuối năm 2009, tăng 9,7% so cùng kỳ và bình quân 10 tháng tăng 8,75%.

Nhiều ý kiến cho rằng, CPI năm nay có thể ở mức 2 con số, khi hai tháng cuối năm là thời điểm tăng giá hàng hóa dịch vụ.

Trao đổi với VOVNews về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: “Rõ ràng, việc kiềm chế CPI cả năm 2010 ở mức 1 con số đang trở thành gánh nặng quá lớn cho 2 tháng còn lại của năm. Tôi cho rằng nếu chúng ta có những biện pháp mạnh đối phó với lạm phát thì CPI cả năm vẫn có thể giữ ở 1 con số, theo đó CPI 2 tháng cuối năm tăng khoảng 2%. Ngược lại, CPI 2 tháng cuối năm có thể tăng tới 4% và cả năm sẽ tới khoảng 11-12%”.

PV: Câu chuyện CPI năm nay lại cho thấy khả năng dự báo và kiểm soát lạm phát của chúng ta kém, thưa ông?

Ông Vũ Đình Ánh: Dự báo của chúng ta còn nặng về cảm tính. Tính chính xác của dự báo, kể cả dự báo ngắn hạn bị hạn chế nhiều vì không được xây dựng dựa trên những căn cứ chắc chắn và khoa học. Hơn nữa, con số dự báo lại mang tính chất con số kế hoạch hay mục tiêu song lại thiếu những công cụ đi kèm để thực hiện kế hoạch hay mục tiêu đó. Chúng ta vẫn chưa có hệ thống các công cụ kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thị trường có độ mở lớn như Việt Nam hiện nay.

PV: Có ý kiến cho rằng, CPI tăng cao trong thời điểm hiện nay chưa phải là điều đáng ngại, mà đáng lo nhất là khả năng xảy ra lạm phát đình đốn (stagflation), ông có đồng thuận với quan điểm này?

Ông Vũ Đình Ánh: Cảnh báo như vậy là còn quá sớm và chưa đủ cơ sở để khẳng định.

PV: Nhiều người cho rằng, vấn đề chúng ta phải đối mặt hiện nay là niềm tin vào tiền đồng chưa vững chắc đã đem đến mức lạm phát tâm lý cao hơn. Hiện tượng tăng giá tâm lý áp đặt mạnh mẽ lên chỉ số giá. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Đình Ánh: Yếu tố tâm lý luôn luôn là vấn đề của kinh tế tài chính tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý chỉ phát huy tác động mạnh trong môi trường thông tin thiếu công khai minh bạch. Bên cạnh đó, hiệu ứng thực tế của các quyết sách của Chính phủ là cơ sở để hạn chế tác động tâm lý trong nền kinh tế thị trường. Niềm tin vận động theo cơ chế tích lũy lâu dài nhưng mất niềm tin lại theo cơ chế sụt giảm ngay lập tức.

PV: Có phải về dài hạn với lạm phát, cần xem xét chính sách tài khóa. Ý kiến của ông về chính sách tài khóa hiện nay, có gì cần phải điều chỉnh và điều chỉnh như thế nào?

Ông Vũ Đình Ánh: Về dài hạn, kiểm soát lạm phát gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, theo đó cần điều chỉnh tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ chứ không chỉ riêng chính sách tài khóa. Giả định các chính sách kinh tế vĩ mô khác không thay đổi thì để góp phần kiểm soát lạm phát chính sách tài khóa cần được hoạch định theo hướng giảm tỷ lệ thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), giảm thâm hụt và tiến tới cân bằng NSNN, thậm chí NSNN sẽ thặng dư nếu thu NSNN đạt kết quả tốt hơn dự toán. Lạm phát là vấn đề của kinh tế vĩ mô nên vai trò quan trọng hàng đầu trong kiểm soát lạm phát là các chính sách tài khóa và tiền tệ. có thể là cả chính sách đầu tư và thương mại nữa trong điều kiện riêng có của Việt Nam.

PV: Biện pháp được nhắc nhiều đến kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm là bình ổn giá, liệu đây có phải là cách giải quyết gốc rễ của vấn đề không, thưa ông?

Ông Vũ Đình Ánh: Bản chất của bình ổn giá là chính sách vi mô chứ không phải vĩ mô mặc dù công cụ bình ổn giá có thể là cả vi mô và vĩ mô. Hơn nữa, bình ổn giá có tác động tốt đến kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bình ổn giá để kiềm chế lạm phát chắc chắn không có hiệu quả vì sự can thiệp mang tính hành chính vào thị trường trong khi nguồn lực can thiệp hạn chế sẽ không cho ra những kết quả mong đợi, thậm chí vừa làm méo mó thị trường, vừa làm lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, hiệu quả của các công cụ bình ổn giá còn bị hạn chế bởi chúng ta đang tiếp cận nó như một phạm trù kinh tế vĩ mô trong khi hiệu quả bình ổn giá lại được quyết định bằng các công cụ vi mô.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất