Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 28/5/2009 22:41'(GMT+7)

Nên luật hóa quy định về thời lượng chiếu phim Việt Nam

Các đại biểu góp ý cho dự thảo luật - Ảnh: TTXVN

Các đại biểu góp ý cho dự thảo luật - Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất, khi nước ta gia nhập WTO và sau khi sáp nhập một số bộ theo cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ thì một số điều luật của Luật điện ảnh đã không còn phù hợp, do vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh lần này sẽ tạo một môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập và thể hiện quyết tâm của nước ta trong việc hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung.

Nên quản lý nhà nước về điện ảnh như thế nào?

Theo đại biểu Lê Văn Học - Lâm Đồng, luật hiện hành quy định, phim chỉ có thể được mang ra trình chiếu ở rạp hoặc trên các Đài truyền hình, nếu có được một trong các giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc các Đài truyền hình, Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh. Nếu tính trong cả nước, có khoảng trên dưới 130 người đứng đầu có quyền cấp giấy phép phổ biến phim và thành lập Hội đồng thẩm định phim, như vậy là quá nhiều đầu mối và không tập trung.

"Để thống nhất quản lý Nhà nước, điện ảnh có trách nhiệm rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phim đưa ra phổ biến trên rạp, trên các Đài truyền hình hoặc trên các phương tiện khác có chất lượng nội dung phù hợp với bản chất và chế độ thuần phong mỹ tục,  tôi đề nghị trong luật cần phải nêu rõ hơn, cụ thể hơn về số lượng người được quyền cấp giấy phép phổ biến phim và thành lập Hội đồng thẩm định phim. Tiêu chí để duyệt phim thì có thể do nghị định của Chính phủ. Nhưng những điều, khoản khác thì phải được ghi ở trong luật", ông nói.

Ông Học cũng đề nghị chỉ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới được ra quyết định thành lập Hội đồng duyệt phim nhà nước, hoặc gọi là Hội đồng duyệt phim quốc gia.

Đại biểu Bùi Thị Hoà - Đắk Nông - cũng nhất trí, để quản lý và kiểm soát được nội dung, số lượng phim nhập khẩu, cần phải có một Hội đồng thẩm định cấp quốc gia do một cơ quan quản lý Nhà nước thành lập, chứ không nên quy định thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định ở các tỉnh và ở các đài. Vì nếu như vậy, sẽ không thể kiểm soát được nội dung, số lượng phim ngoại nhập về Việt Nam, dễ tạo ra sự không thống nhất, cùng một bộ phim có thể nơi này được nhập, nhưng nơi khác lại không được nhập...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội - cho rằng, hiện đang có sự mập mờ giữa quản lý Nhà nước và doanh nghiệp của Đài truyền hình.

"Tôi không hiểu nếu như Giám đốc Đài truyền hình mà đứng ra là người tổ chức sản xuất phim truyền hình thì anh ta là Giám đốc doanh nghiệp hay là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước, bởi vì được sản xuất phim truyền hình, được nhập khẩu, được xuất khẩu. Vậy thì anh ta là một người đứng đầu doanh nghiệp chứ!"

Ông Đào đề nghị cần phải có sự tách bạch ở đây và nếu được, Luật nên bổ sung một chương rất quan trọng, là hợp tác quốc tế về điện ảnh.

"Chúng ta đưa phim của chúng ta ra nước ngoài chiếu và chúng ta tổ chức chiếu phim nước ngoài ở Việt Nam, tất cả chúng ta trao đổi kinh nghiệm, đào tạo..., tất cả những cái đó gọi là hợp tác quốc tế về điện ảnh. Có lẽ đưa chương hợp tác quốc tế về điện ảnh sẽ bao hàm hết những gì ta mong muốn và chúng ta cần lựa chọn", ông Đào nói.

"Điện ảnh trước hết là văn hóa, sau đấy mới là sản xuất và công nghiệp. Vì vậy khi quản lý điện ảnh thì vấn đề văn hóa phải đặt lên hàng đầu", đó là quan điểm của đại biểu Phan Trung Lý - Nghệ An.

Theo đại biểu Lý, ngoài Hội đồng thẩm định thì trong Đài truyền hình, Đài phát thanh cũng phải quy định một chức danh có trách nhiệm về nội dung của Đài truyền hình, Đài phát thanh. Đó là người chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung phát trên Đài truyền hình, Đài phát thanh.

Góp ý về quản lý nội dung với các chương trình phát sóng trên Đài truyền hình, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phú Thọ cho rằng, luật cần phải sửa đổi và làm rõ trách nhiệm giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tránh tình trạng như hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước về điện ảnh, quản lý các đài như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các kênh như VTV1, VTV2, VTV3..., còn Bộ Thông tin và Truyền thông thì quản lý thêm về kinh doanh điện ảnh và quản lý Công ty truyền thông đa phương tiện, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Tỷ lệ hợp lý nào cho phim nội?

Đóng góp vào dự thảo luật, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh - TP Hà Nội - đề nghị, cần phải xác định rõ điện ảnh cũng là một công cụ quảng bá văn hóa, là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Hiện nay thời lượng chiếu phim Việt Nam cả ở rạp cũng như trên sóng truyền hình chưa đạt được 30% như quy định hiện hành của Chính phủ. Cụ thể ở Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, dù đã có sự cố gắng trong việc thực hiện yêu cầu này, nhưng cũng không phải đã đạt được như mong muốn.

"Để thực hiện nguyên tắc vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa đảm bảo hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đề nghị cần đưa tỷ lệ bắt buộc chiếu phim Việt Nam là 30% vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh để các Đài truyền hình Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phim có tiêu chí phấn đấu và thực hiện", bà Thanh nói.

Đại biểu Đặng Văn Xướng - Long An - đánh giá, hiện nay lượng phim sản xuất trong nước còn rất ít và tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam còn thấp so với yêu cầu, song dự thảo lần này chưa có nhiều quy định để khuyến khích thúc đẩy quá trình này nhằm tăng nguồn phim và số phim Việt Nam có chất lượng, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.

Đồng quan điểm với đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh, ông Xướng cũng đề nghị phải bổ sung quy định đảm bảo tỷ lệ phim Việt Nam nhất định trong tổng số phim sản xuất và phát hành trong năm cũng như bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và giờ chiếu phim cho trẻ em đối với các cơ sở chiếu phim, cơ sở phát sóng phim trên hệ thống truyền hình...

Với đại biểu Phạm Sơn Hà - Hậu Giang, thời lượng chiếu phim Việt Nam trên Đài truyền hình nên từ 30% trở lên. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không nên "áp dụng cứng nhắc thời lượng như thế", bởi sẽ khó cho kiểm soát và cũng không kích thích được sự phát triển.

"Theo số liệu thanh tra năm 2007 - 2008, chúng ta mới chỉ sản xuất trên 60 phim mà trong đó rất ít phim truyện. Trong khi Đài truyền hình chúng ta có hàng kênh từ Trung ương đến địa phương thì nếu chúng ta cứ áp phân thời lượng phát sóng như thế, chắc rằng chúng ta sẽ lặp lại những phim cũ chiếu đi, chiếu lại. Lĩnh vực này là lĩnh vực sáng tạo, nếu chúng ta lặp đi lặp lại thì nó sẽ dễ gây nhàm chán và hiệu quả của nó không cao", ông Hà nói./.

(Theo: HNM)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất