Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 26/11/2011 12:13'(GMT+7)

Nét đẹp từ âm nhạc đường phố

Đông đảo khán giả theo dõi buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong chương trình "Nghệ thuật cuối tuần".

Đông đảo khán giả theo dõi buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong chương trình "Nghệ thuật cuối tuần".

 Ông Trần Long Phi (Phòng Nghiệp vụ biểu diễn, Trung tâm Tổ chức và biểu diễn điện ảnh) cho biết: Hoạt động biểu diễn âm nhạc ngoài trời xuất hiện và phát triển từ rất lâu ở các nước trên thế giới, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất có ý nghĩa. Với quan điểm này, từ tháng 1-2007, Trung tâm Tổ chức và biểu diễn điện ảnh và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã mở chương trình biểu diễn "Nghệ thuật cuối tuần" tổ chức vào sáng chủ nhật. Được sự động viên của nhân dân, đến năm 2009 đã có thêm buổi diễn sáng thứ bảy.

Đến với chương trình, trong vòng một giờ, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều phong cách âm nhạc, gồm các làn điệu dân ca 3 miền, các tác phẩm độc tấu, hòa tấu nổi tiếng trên thế giới với sự kết hợp độc đáo và nhuần nhuyễn của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, t'rưng... hoặc các nhạc cụ phương tây như violon, guitar, kèn trompette... Riêng sáng chủ nhật, các nhà tổ chức bố trí chương trình biểu diễn kèn đồng, nhạc Jazz, nhạc Flamenco… Đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công chủ yếu là sinh viên nhạc viện và một số ban nhạc trên địa bàn TP.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, chương trình "Nghệ thuật cuối tuần" đã thu hút và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân cũng như du khách nước ngoài. Khán giả, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, đều thưởng thức âm nhạc rất nghiêm túc. Khi xem chương trình, dễ bắt gặp những cảm xúc đồng điệu của khán giả và người biểu diễn. Hòa vào đám đông, có người đến thật sớm trước giờ diễn để tìm chỗ ngồi. Có gia đình cả cha mẹ và các con cùng ngồi trên xe máy chờ đợi. Nghệ thuật âm nhạc khi đó dường như đã xóa nhòa những âu lo của cuộc sống, trở thành món ăn tinh thần với tất cả khán giả. Khi tiết mục kết thúc, phần thưởng lớn nhất cho nghệ sĩ không có gì ngoài những tràng pháo tay không ngớt.

Cô Lê Thu Hương, nhà ở phường 2 (quận Bình Thạnh) cho biết, đã nhiều lần đến xem chương trình nghệ thuật này. "Đa số khán giả không có cơ hội được xem trực tiếp những chương trình như thế này mà chỉ được xem và nghe qua băng đĩa. Mặc dù chương trình chỉ trong một giờ tôi thấy đã "cảm" và gần gũi với âm nhạc dân tộc của đất nước mình nhiều hơn. Nhiều người thân sau khi nghe giới thiệu cũng đã dành thời gian đến xem và họ đều có ấn tượng tốt".

Ông Jans Henningber (quốc tịch Đan Mạch) thì không chỉ ngạc nhiên vì khi đến Việt Nam du lịch lại được thưởng thức những bản nhạc Jazz bất hủ như Beautiful girls, Diary of love, Thinking about you... Nhún nhảy theo điệu nhạc Jazz, ông cho biết thêm: "Hôm qua ngày 12-11, tôi rất thích và đã xem trọn vẹn chương trình biểu diễn với các nhạc cụ âm nhạc dân tộc của các bạn. Tôi nghĩ rằng với chương trình biểu diễn như thế này sẽ là lợi thế của các bạn khi những hình ảnh đời sống âm nhạc với các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam được quảng bá trên khắp thế giới".

Ông Trần Long Phi cho biết thêm: "Chúng tôi luôn thay đổi kịch bản để chương trình không nhàm chán. Theo thống kê, buổi biểu diễn sáng thứ bảy thường thu hút khoảng 600 lượt người xem và ngày chủ nhật thì đông gấp đôi, trong đó khoảng 30-40% khán giả là người nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời thêm một số ban nhạc của Philippines, Singapore và Cuba tham gia biểu diễn. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng mô hình này tại Công viên 23-9 và Công viên Gia Định để phục vụ cộng đồng cũng đang được tính đến".

Mặc dù chương trình "Nghệ thuật cuối tuần" còn gặp không ít khó khăn về nhiều mặt như kinh phí, lịch diễn, lực lượng nghệ sĩ hạn chế... nhưng những thành công ban đầu ấy đã đánh dấu sự cố gắng của các nhà tổ chức trong nỗ lực xây dựng một không gian âm nhạc ngoài trời, một nét đẹp văn hóa mới tại thành phố mang tên Bác.

Theo HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất