Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 30/5/2019 16:30'(GMT+7)

"Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau"

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thứ nhất, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được Nghị quyết 28 của Trung ương đặt vấn đề rất rõ, mục đích của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, đảm bảo sự bền vững và căn cứ rất nhiều các mục tiêu khác như đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH về lâu dài, rồi vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới… Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có một tầm nhìn dài nhưng phải hành động mau lẹ để tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035.

Một cách tổng thể, thứ nhất, chúng ta khẳng định Việt Nam đang trong thời kỳ  dân số vàng nhưng thực chất, dân số Việt Nam đã bắt đầu chuyển từ “đang già” sang “già” vào năm 2014. Cụ thể, nếu như năm 2000 một năm bình quân số người bước vào độ tuổi lao động là 1,2 triệu thì đến bây giờ lực lượng lao động này đã giảm xuống còn 400 nghìn người/năm. Tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động ngày càng giảm cho thấy cho thấy dân số đã già hóa và Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất hiện nay. Do đó, chúng ta thấy về sự cần thiết của việc tăng tuổi nghỉ hưu. Hãy nhìn sang các nước khác, nếu như đến 2035, chúng ta không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản và nhiều quốc gia khác hiện nay.

Thứ hai, nếu nói về độ tuổi lao động thì tuổi nghỉ hưu của chúng ta là nam 60, nữ 55 như hiện nay đã được quy định từ những năm 1961, tức là hơn 60 năm nay rồi. Ở thời điểm quy định tuổi nghỉ hưu này, khi đó bình quân tuổi thọ của người Việt Nam mới trên 45 tuổi, mà đến nay bình quân tuổi thọ của người Việt Nam đã là 76,6 tuổi. Việt Nam cũng là một trong những nước có tuổi thọ cao ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba
, nhìn vào vấn đề đảm bảo sự ổn định của Quỹ BHXH, có thể thấy, hiện nay thời gian đóng BHXH của nam và nữ nhìn chung là thấp, chúng ta đóng bình quân là hơn 20 năm nhưng lại hưởng rất cao. Thông thường các nước khác, mức hưởng là 30-45%, nhưng Việt Nam mức hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70%. Qua tính toán cho thấy, nếu như một người bình quân đóng BHXH trong 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, còn lại 9 năm rưỡi là lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, để đảm bảo cân bằng, ổn định của Quỹ BHXH thì điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng muốn nhấn mạnh: Việc tăng tuổi nghỉ hưu là nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết song song với nhiều luật khác, nhiều chính sách khác. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền rộng rãi để người lao động hiểu đây là phương án điều chỉnh dần, điều chỉnh theo lộ trình chậm, nếu theo phương án 1 như Chính phủ trình thì đến năm 2028 nam giới mới nghỉ hưu ở độ tuổi 62, đến năm 2035 thì nữ giới mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Và tuổi nghỉ hưu này là trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Còn người lao động trong trường hợp: Suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại thì có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi.

“Hiện chúng tôi đang thiết kế chính sách, thậm chí là có thể có những người nghỉ ở độ tuổi 50, chẳng hạn một người đã lao động nặng nhọc rồi, lại bị suy giảm sức khỏe nữa thì sẽ phải nghỉ sớm hơn nữa. Chính sách được thiết kế theo hướng là quyền nghỉ hưu, tức là người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn, họ có thể nghỉ hưu khi đã đủ thời gian đóng BHXH, hoặc nếu chưa đủ tuổi vẫn có thể nghỉ để chờ hưu và hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Như vây, chúng ta không “bắt cứng” người lao động cứ phải đủ tuổi, đủ năm đóng BHXH thì mới được nghỉ hưu”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, cần phải phân biệt tuổi nghề với tuổi hưu. Tuổi hưu là những quy định để người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách của nhà nước, hưởng BHXH. Còn tuổi nghề thì khác, có nghề làm trong thời gian ngắn, có nghề làm dài. Chẳng hạn những nghề như: Xiếc hay bóng đá, bóng chuyền thì nhiều người chỉ làm được trong thời gian rất ngắn, sau đó được đào tạo để chuyển công việc khác. Như vậy, tuổi nghề gắn với tính chất công việc. Cũng có những người khi thôi làm quản lý rồi vẫn tiếp tục làm nghề, chẳng hạn như nghề luật sư thì họ có thể làm suốt đời.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh,  khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì việc số một là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thứ hai là ổn định và đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ. Việc Chính phủ tính toán phương án 1 là đã cân đối và đảm bảo công việc hiện tại cho giới trẻ và tính được cả cho người già.

“Thống kê cho thấy, hiện 46% người lao động sau tuổi nghỉ hưu vẫn đang đi làm việc tiếp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động của Việt Nam hiện không phải dồi dào nữa. Nếu các bạn về nông thôn sẽ thấy hiện ở nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn nữa. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là Việt Nam bây giờ không phải là thời điểm đỉnh cao của dân số vàng mà đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Và chúng ta cũng phải làm rõ, không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc ở đây. Đây chính là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau, mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về phương án điều chỉnh giờ làm việc lên 8h30 và nghỉ một tiếng buổi trưa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực chất giờ làm việc hiện nay đã trở thành nếp, việc điều chỉnh sang một phương án mới đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị rất cao. Thực tế, các nước đều có xu hướng điều chỉnh theo hướng đó để đảm bảo sự thông suốt, đồng bộ trong cơ quan công quyền để phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, ở đây Chính phủ đưa ra phương án rất mềm tức là Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, còn lại từng địa phương sau này phải căn cứ vào vùng miền, thời tiết, khí hậu để đáp ứng được công việc chứ Chính phủ không quá cứng nhắc. “Miễn là chúng ta nâng cao được hiệu quả phục vụ của nhà nước, của cơ quan công quyền để phục vụ người dân tốt hơn" - Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh./.

PV (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất