Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 30/5/2019 10:8'(GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu: Có ảnh hưởng hay không tới cơ hội việc làm của lao động trẻ

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của lao động trẻ.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của lao động trẻ.

Cho biết về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có tác động đến năng suất lao động và hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ không, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ.

Vì theo dự thảo, không phải nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các nhóm lao động lên thành nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Với những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, suy giảm sức lao động từ 61% trở lên, thì người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu trước 5 năm như các ngành khai thác khoáng sản, hầm lò...

“Như vậy vẫn tồn tại nhóm đối tượng nghỉ hưu trước 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn đối với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn, thì không lo bị giảm năng suất lao động. Trong điều kiện nào đó, năng suất còn có thể cao hơn vì có kỹ năng, tay nghề vững”, ông Lợi nói.

Theo các chuyên gia về lao động phân tích, việc suy giảm năng suất lao động khi nâng tuổi nghỉ hưu chỉ đúng trong trường hợp lao động nặng nhọc, lao động vùng sâu, vùng xa, còn trong điều kiện lao động bình thường, chắc chắn sẽ đảm bảo năng suất lao động không bị sụt giảm.

Về vấn đề cơ hội việc làm của giới trẻ, có thể thấy, nếu như trước đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 1 triệu người từ 15 tuổi trở lên tham gia vào thị trường lao động, thì đến nay con số này có xu hướng giảm chỉ còn một nửa.

“Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, lượng lao động tham gia vào thị trường lao động giảm đi, nên không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ”, ông Lợi khẳng định và cho biết, hiện nay tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, có chế độ vừa ra trường đã được sắp xếp việc làm, thì mới lo ngại đến việc mất đi vị trí việc làm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, họ tự tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tuyển dụng bằng thi tuyển, cơ hội rất nhiều.

Về vấn đề lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp đang dư thừa, một số ý kiến quan ngại, liệu tăng tuổi nghỉ hưu thì bộ máy tiếp tục kém hiệu quả và hạn chế cơ hội việc làm của sinh viên mới ra trường hay không, theo các đại biểu Quốc hội, chúng ta đang phải sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Tuy nhiên, ông Lợi nhấn mạnh, phải thấy rằng khi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước tăng lên, con người phải tăng lên. Giảm biên chế không có nghĩa là giảm bình quân. Giảm là giảm người không đủ năng lực trong bộ máy hành chính Nhà nước, những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

“Thiếu, chúng ta vẫn thiếu. Đó là thiếu những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người có học vấn giỏi và sinh viên ra trường xuất sắc. Hiện nay, chúng ta không còn ở thời kỳ bao cấp nữa, không đào tạo sinh viên ra trường rồi phân bổ vị trí việc làm. Anh phải bỏ tiền đi học để nâng cao kiến thức, bồi bổ kiến thức và tự thân bươn trải trong thị trường lao động và phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Nếu muốn vào vị trí của công chức nhà nước, cần phải thi. Phải giỏi. Và đúng năng lực mới được vào. Câu chuyện là vậy”, ông Lợi cho hay.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn thảo từ khi trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận cao. Lần này được đưa ra xem xét là xuất phát từ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số ở nước ta trong tương lai.

Về quy định tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo dự thảo đưa ra 2 phương án và đều theo lộ trình là có cơ sở, nhằm tránh giảm sốc cho thị trường lao động. Cả hai phương án này đều thực hiện theo nguyên tắc có lộ trình và tuy bước đi của từng phương án có nhanh – chậm khác nhau, song theo chúng tôi đều khá hợp lý.

“Cá nhân tôi đồng thuận với đề xuất của Chính phủ và nghiêng về lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao nên tiếp tục lấy ý kiến và có thể lấy cả ý kiến nhân dân”  ông Lợi nhấn mạnh.

Thanh Nhung

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất