Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 17/10/2015 9:40'(GMT+7)

Nếu tổn thất truyền tải hệ thống tăng 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh

Đó là một trong những ý kiến gây chú ý của các diễn giả kinh tế tại Diễn đàn khoa học Cơ sở khoa học của việc tính giá điện tại Hà Nội ngày 16/10, do Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tại diễn đàn, TS Ngô Đức Lâm - Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, chi phí cho phát điện là chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá điện (>70%).

Riêng về giá phát điện, số lượng nhiên liệu cần dùng phụ thuộc chủ yếu vào hiệu suất của thiết bị (lò + máy) và phương thức huy động tối ưu của Điều Độ Hệ thống (Ao). Suất tiêu hao nhiên liệu và lượng tự dùng lớn hơn so với các định mức. Trong khi đó, hiệu suất nhà máy nhiệt điện đã giảm quá nhanh. Thực tế, thiết kế hiệu suất các nhà máy PC là 39%, nay chỉ còn có 32% đối với các nhà máy vận hành khoảng 10 năm và hiệu suất trung bình toàn hệ thống chỉ 27,5% có cả các nhà máy cũ. 

"Việc hiệu suất giảm nhanh như trên ảnh hưởng tới tiêu hao nhiên liệu lớn, tự dùng lớn còn là do công tác quản lý khoa học kĩ thuật các ngành còn thiếu sót, công tác điều độ phương thức vận hành tối ưu chưa tốt. Điều này khiến cho giá điện bị tăng cao", ông Lâm nhấn mạnh.

Yếu tố thứ hai ảnh hướng đến giá điện hiện hành là tỷ giá. Theo ông Lâm, tỷ giá đã được tính vào giá thành theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Công thương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu và người tiêu dùng có những ý kiến rằng cần phải xem xét lại tính công bằng giữa EVN với các nhà doanh nghiệp khác. Thứ nữa là việc doanh nghiệp cần công khai với người tiêu dùng rằng đã đưa tất cả 100% chi phí vào giá thành hay chỉ đưa một tỷ lệ hợp lý phù hợp khác.

Đặc biệt, ông Lâm nhấn mạnh đến yếu tố tiền lương trong giá điện. Yếu tố tiền lương trong giá điện thể hiện năng suất lao động trong ngành điện lực. Theo ông Lâm, năng suất lao động thấp ảnh hưởng lớn đến giá điện. Hiện nay 1 kWh điện năng hiện phải gánh chịu quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. "Theo đó, các Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng cần thiết phải bàn luận thêm về số người được tính hưởng lương cho 1kWh", ông Lâm  Trong khi đó, giá điện cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố tổn thất truyền tải hệ thống. Hiện tại, chi phí này đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. Năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống là 8,8%. (trong khi Thủ tướng yêu cầu là 8%), năm 2014 đã tăng > 9%.

Nếu tổn thất truyền tải hệ thống nếu thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/1kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này.

Một yếu tố nữa ông Lâm kể đến là phí điều độ và phí vận hành thị trường điện lực. Theo đó, ông Lâm đề nghị EVN có 1 chuyên đề nghiên cứu để làm rõ tính minh bạch của giá điện, giải đáp 1 số vấn đề nêu trên. Chuyên đề nghiên cứu trên cần làm ngay vì đây là vấn đề gốc rễ và cần có sự thảo luận rộng rãi sau khi có kết quả nghiên cứu.

Chia sẻ quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá, biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán. Công suất và  điện năng, điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí  như  mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống. 

"Giá điện khác hẳn với các sản phẩm khác như xăng dầu vì nó chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới. Hơn nữa, giá điện không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn như giá xăng dầu, giá điện cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vi mô và an sinh xã hội", ông Duệ nói.

Theo đó, vị PGS đưa ra giải pháp rằng, để giá điện hợp lý, bản thân doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí và người tiêu dùng tiêu dùng phải tiết kiệm trong việc dùng điện cho sinh hoạt. Một trong những giải pháp đáng quan tâm nữa của ông Duệ là việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài tham gia vào sản xuất kinh doanh điện.

"Hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đang tập trung vào các ngành sản xuất khác còn số dự án FDI trong lĩnh vực điện chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số FDI ở Việt nam. Do vậy, nhà nước và ngành điện cần có chính sách và tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các dự án điện. Mỗi khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào thị trường điện cạnh tranh sẽ là nhân tố quan trọng giảm giá thành và góp phần xây dựng giá bán điện hợp lý", PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ nói./.

Theo vinanet.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất