Nhân kỷ niệm 20 năm ngày ký Tuyên bố Đối tác chiến lược giữa Liên bang
Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1/3/2001 - 1/3/2021) người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova có tuyên bố nhấn mạnh Nga coi
trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong bối cảnh mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Tuyên bố về quan hệ đối
tác chiến lược Việt-Nga là sự xác nhận rõ ràng, hữu hình về nguyện vọng
của nhân dân Nga và Việt Nam trong việc tăng cường từng bước quan hệ
giữa hai nước dựa trên truyền thống hữu nghị lâu đời và hợp tác cùng có
lợi.
“Việc ký kết văn kiện lịch sử này là kết quả hợp lý của nhiều thập kỷ
hợp tác hiệu quả giữa các nước chúng ta trên nhiều lĩnh vực và thể hiện
quyết tâm mở rộng quan hệ song phương trong điều kiện lịch sử mới” ,
tuyên bố cho biết.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, trong 20 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đối thoại chính trị cấp
cao và chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của hai nước được duy trì. Hợp
tác trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, quân sự và kỹ thuật quân sự,
khoa học-công nghệ và hợp tác nhân văn được tiếp thêm động lực.
Ngoài ra, trao đổi liên nghị viện, giữa các đảng và các cuộc tiếp xúc
giữa các khu vực địa phương của hai nước đã được tăng cường.
Các cơ chế hợp tác mới đã được xây dựng cho phép tương tác hiệu quả
trong việc giải quyết các vấn đề thời sự của chương trình nghị sự song
phương và phối hợp chặt chẽ các hành động trên trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, năm 2012, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Bà Zakharova khẳng định tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ lẫn nhau bền vững vốn có trong quan hệ Nga-Việt càng trở nên rõ nét trong bối cảnh chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Nga và Việt Nam cung cấp cho nhau sự tư vấn, phương pháp luận và sự
hỗ trợ cần thiết khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Đồng
thời, các tổ chức chuyên môn của hai nước tiến hành đối thoại tích cực
về toàn bộ các vấn đề và trao đổi kinh nghiệm chống lại căn bệnh nguy
hiểm này.
“Ngày nay, bất chấp tình hình khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn,
sóng gió gia tăng và những thay đổi cơ bản trong toàn bộ hệ thống quan
hệ quốc tế, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên
bang Nga dựa trên kinh nghiệm hợp tác hiệu quả nhiều năm, vẫn là một yếu
tố quan trọng của chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực châu Á-Thái
Bình Dương”, người phát ngôn Zakharova nhấn mạnh.
Nhân dịp này, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã có cuộc phỏng vấn
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov, nhấn mạnh quan hệ
hai nước Việt-Nga đã đạt được thành công lớn trong vòng 20 năm qua.
Chủ
tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga gắn Kỷ
niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" tặng Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov. (Ảnh: TTXVN)
Theo Đại sứ Vnukov, nhờ những nỗ lực chung, hai nước đã đạt được
những thỏa thuận nghiêm túc và đôi khi mang tính đột phá nhằm tăng cường
và thúc đẩy quan hệ cùng có lợi trên mọi lĩnh vực.
“Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh
tế thương mại, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa các
nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam có hiệu lực
vào năm 2016”, Đại sứ Vnukov cho biết.
Theo ông, thỏa thuận này đã góp phần tăng thương mại Việt-Nga lên 5,7
tỷ USD vào năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đại sứ Vnukov nhấn mạnh sự phát triển thành công của hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí.
Ông cho biết nhiều công ty của Nga, bao gồm Gazprom, Zarubezhneft và
Rosneft hợp tác hiệu quả với các đối tác Việt Nam. Trên cơ sở đó, các
liên doanh Việt-Nga được thành lập gồm: Vietsovpetro, Rusvietpetro,
Gazpromviet và Vietgazprom, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho cả Việt
Nam và Nga.
Trên bình diện quốc tế, Đại sứ Vnukov cho rằng các điều khoản của
Tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga về vấn đề hình thành trật
tự thế giới công bằng và bình đẳng vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Hai nước đã khẳng định tầm nhìn chung đối với việc cải thiện hoạt
động của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, tăng
cường hòa bình và ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới./.
Trần Hiếu (TTXVN)