Liên tiếp trong những ngày vừa qua, xảy ra nhiều vụ việc liên quan bạo lực khiến dư luận xã hội bức xúc, đồng thời dấy lên mối lo ngại về cách hành xử thiếu văn hóa, thừa bạo lực của một số người, mà đáng tiếc trong đó có cả một số cán bộ, viên chức. Bởi khi các sự kiện, như ngày 13-8 vì không tìm thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus của mình và nghi ngờ tiếp viên mà một hành khách hạng thương gia trên máy bay đã tát nữ tiếp viên; ngày 18-10 tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) hai hành khách nam hành hung một nữ nhân viên sân bay,… chưa kịp lắng xuống thì ngày 29-10, một clip được phát trên in-tơ-nét cho thấy tại một trạm thu phí trên quốc lộ 6, vì không đồng tình về việc thu phí ô-tô mà một nhân viên kiểm lâm đã chửi bới, lăng mạ, lao qua cửa sổ phòng bán vé để đánh nhân viên bán vé!... Tại Đà Nẵng, một phụ huynh là giáo viên phổ thông trung học, vì phản ứng với việc con mình “bị làm xước má” mà xông đến trường “tát nhầm” một giáo viên tiểu học, thậm chí phụ huynh này còn dùng điện thoại di động quay clip đưa lên trang Facebook cá nhân! Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng coi đây là việc không thể chấp nhận và xấu hổ với cách hành xử của phụ huynh là giáo viên, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhà giáo, nhà trường, ngành giáo dục. Biện pháp xử lý kiên quyết của cơ quan chủ quản với các cá nhân có hành vi bạo lực nơi công cộng, xúc phạm phụ nữ, như chấm dứt hợp đồng lao động, tạm đình chỉ công tác, xử phạt hành chính, phạt tiền,… đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là cách giải quyết “phần ngọn”.
Ứng xử nơi công cộng không chỉ là một kỹ năng sống, mà còn thể hiện văn hóa của cá nhân. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, văn minh trở thành một tiêu chí sống của toàn xã hội thì đáng tiếc, nhiều người lại có hành vi phản văn hóa trong ứng xử. Từ chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng, nói tục, chửi bậy, bôi bẩn, viết bậy lên công trình công cộng, không tuân thủ các luật lệ…, tới hành động bạo lực, xảy ra khá nhiều mà trước hết đó là hành vi phạm pháp, gây tâm lý bất ổn cho người khác; đem đến cái nhìn thiếu tích cực về xã hội, về cuộc sống. Cần lưu ý là bạo lực nơi công cộng không chỉ do nam giới gây ra mà trong một số trường hợp người thực hiện hành vi bạo lực lại là phụ nữ, nữ sinh. Như sự việc xảy ra ngày 17-10, tại ký túc xá một trường đại học ở Hà Nội, vì mâu thuẫn dẫn đến xô xát mà một cô gái đã gây thương tích cho bạn trai. Trong thời gian gần đây, trên in-tơ-nét liên tục xuất hiện các clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau. Xem các clip đó, điều xót xa là nhiều em không những không can ngăn mà còn cổ vũ, kích động, quay clip để đưa lên mạng… Nhìn trên diện rộng và đặt sang một bên ý kiến coi việc đưa tin tức giật gân về bạo lực là chiêu “câu khách” của một số tờ báo (trang tin) thì không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng các vụ việc liên quan bạo lực đang có chiều hướng gia tăng và cần phải cấp thiết ngăn chặn?
Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá về các nguyên nhân đưa tới hành vi ứng xử không phù hợp của người dân nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, phần lớn nhận định tập trung vào các lý giải, như: Nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn yếu (chiếm 76,4%); công tác giáo dục, định hướng hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm (64,9%); do thói quen lối sống (61,8%); các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu (61,3%); chưa có bộ quy tắc ứng xử cho người dân ở nơi công cộng (60,2%); các giá trị đạo đức truyền thống bị xem nhẹ (59,2%); việc xử lý, xử phạt người dân vi phạm còn chưa nghiêm (58,1%)… Thiết nghĩ đây là các nguyên nhân có thực, làm cho xu hướng bạo lực có phần nghiêm trọng hơn, dễ khởi phát hơn, hậu quả để lại nặng nề hơn. Vì hành vi bạo lực không chỉ gây tổn hại về thân thể, mà còn để lại tổn thương nặng nề về tinh thần, tình cảm của người bị xâm phạm. Trong các nguyên nhân đó, nguyên nhân từ nhận thức, tâm lý, lối sống của cá nhân là quan trọng hơn cả, bởi cách hành xử của mỗi người trước hết chịu sự chi phối của nhận thức, tư duy, trình độ, tình cảm… riêng.
Về vấn đề gia tăng hành vi bạo lực, từ các nghiên cứu tâm lý học, PGS, TS Phan Thị Mai Hương cho rằng, cảm xúc tiêu cực khiến con người khó chịu, có thể sử dụng bạo lực để giải phóng sự giận dữ, thất vọng hay bất lực của bản thân ra bên ngoài. Nhiều khi hành vi bạo lực được thực hiện để người khác thấy sức mạnh, uy lực của cá nhân. Nhưng ẩn sau đó là sự thiếu tự tin, sự yếu đuối, thiếu hụt nội tâm mà cá nhân không chấp nhận điều đó, giống như phản ánh ngược che đậy sự thật của bản thân. Có người dùng bạo lực như phương tiện kiểm soát người khác hoặc để đạt được điều đang mong muốn. Trong khi đó, lại có người sử dụng hành vi bạo lực để trả thù người làm tổn thương họ, mà lòng hận thù, sự đố kỵ, thói ích kỷ chính là ngòi nổ của hành động. Ngoài ra, xu hướng ứng xử theo lối ăn thua, được mất cũng là phản ứng của một số người, khi có bất đồng là họ nghĩ phải có người được, kẻ mất, người thắng, kẻ thua, và phải sử dụng bạo lực khiến người khác phải thua, mình phải thắng. Cùng với nguyên nhân tâm lý, thì lối sống thiếu lành mạnh, không hướng theo các chuẩn mực xã hội cũng là nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực. Khi hành xử trước cộng đồng, nếu mỗi cá nhân không tự giác đặt mình trong sự chi phối của các chuẩn mực xã hội, nền tảng đạo đức, văn hóa, truyền thống,… họ rất dễ có hành vi lệch chuẩn, điển hình là bạo lực, hoặc nhẹ hơn là nói tục, chửi bậy, sống bừa bãi…
Ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là nền móng vững chắc, góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Do đó, giải quyết tận gốc hành vi bạo lực là việc hết sức cần thiết, cần bắt đầu ngay và chắc chắn trước hết phải từ mỗi cá nhân. Theo đó, mỗi người cần tự giải quyết vấn đề của bản thân, nhất là các vấn đề tâm lý để có hành xử đúng đắn với người chung quanh. Mỗi cá nhân rèn luyện cách sống đúng mực, hướng theo những giá trị chuẩn mực, từ đó điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp. W.L Ury (W.L U-ri), người biên tập cuốn sách Chúng ta phải đấu tranh? Từ chiến trường đến sân trường - một góc nhìn mới về bạo lực và phòng chống bạo lực (Must We Fight? From the Battlefield to the Schoolyard - A New Perspective on Violent Conflict and Its Prevention) nói rằng: “Chúng ta có nhiều cơ chế tự nhiên cho hợp tác, để kiểm soát xung đột, để chuyển hóa gây hấn, vượt qua xung đột”. Xung đột và bạo lực hoàn toàn có thể được kiểm soát một cách chủ động nếu mỗi người tự ý thức. Với người trưởng thành, điều này cần kết hợp giáo dục của cơ quan, đoàn thể. Với trẻ em thì giáo dục trong gia đình, nhà trường cần định hướng cho con em hướng đến các giá trị tốt đẹp, lành mạnh qua những tấm gương hành xử đúng đắn của cha mẹ và thầy, cô giáo; đồng thời, tăng cường giáo dục kỹ năng ứng xử có văn hóa nơi công cộng. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe; các cấp, ngành liên quan cần thực hiện một cách nghiêm minh để hành vi bạo lực không còn là nỗi lo của xã hội; bảo đảm con người được sống an toàn, lành mạnh. Và để làm được điều đó, rất cần ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và sự chung tay của toàn xã hội.