Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Ba, 17/3/2009 14:57'(GMT+7)

Ngăn chặn hiện tượng… vết dầu loang!

“Lâm tặc làm cỏ đại ngàn”, “Hàng ngàn héc-ta rừng bị xóa sổ”, “Máu rừng lại chảy”, “Làng … lâm tặc”… là những dòng tít lớn xuất hiện ngày càng nhiều trên các tờ báo. Thông tin về những cánh rừng bị “đánh cắp” xảy ra hàng ngày, hàng giờ như căn bệnh truyền nhiễm và lây lan rất nhanh và tệ hơn, người ta cũng bắt đầu thấy… quen với khái niệm mất rừng. Đau lòng là ở chỗ, nơi này, nơi khác đằng sau sự lộng hành của lâm tặc là sự tiếp tay của chính quyền,  người dân và của cả những cán bộ kiểm lâm thoái hóa, biến chất.

Lâm tặc thường lợi dụng chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp hoặc biến tướng từ giấy phép tận thu gỗ vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện để phá rừng.

Những vụ “bán rừng” thông qua hợp đồng khai thác gỗ, hay những vụ phá rừng “núp bóng”  những dự án trồng rừng, khiến dư luận không khỏi bất bình và căm phẫn bởi những hành vi bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương.

Những cây gỗ quý trăm năm tuổi, những rừng nguyên sinh nghìn năm chỉ trong chớp mắt đã bị triệt hại. Và rồi khi vụ việc bị phát hiện, chính quyền lại tìm cách “giơ cao đánh khẽ” hoặc khiển trách chung chung theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”: chuyện đã rồi, rút kinh nghiệm… Vì thế mới có chuyện, nhiều đơn vị khai thác đã biện minh cho hành động phá rừng là do vô tình khai thác… nhầm, bởi không rõ ranh giới(!?).

Chuyện “nhà nhà ăn rừng, người người ăn rừng” rồi lập thành cả làng “ăn rừng” như ở Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh, hay như chuyện ngang nhiên chở gỗ lậu, khai thác gỗ giữa thanh thiên bạch nhật như ở Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Phước càng cho thấy mức độ táo tợn của tình trạng phá rừng hiện nay.

Rừng mất từ ngoài vào, bị phá từ trong lõi ra, những cánh rừng chết ngày một nhiều và người ta lo ngại rằng, nếu cứ đà này thì sẽ đến lúc chúng ta sẽ không còn rừng nữa. Rừng mất, nhưng cái mất còn đáng lo ngại hơn là lòng tin vào bộ máy công quyền, lo ngại về sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo thống kê, hiện Việt Nam chỉ còn 9% rừng giàu, 58% là rừng nghèo, độ che phủ của rừng hiện đạt 38%, thấp hơn 5% so với năm 1943. Chất lượng rừng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Rừng tự nhiên chỉ còn ở một số khu vực thuộc Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trung bộ.

Việc mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ở nước ta ước tính làm phát thải gần 20 triệu tấn CO2, chiếm gần 19% tổng lượng khí phát thải của cả nước.

Mất rừng đã làm ảnh hưởng tới khí hậu và thời tiết ở các vùng miền trên toàn quốc, làm tăng tần suất thiên tai, làm tăng nhiệt độ, nước biển dâng, gây triều cường và nhiễm mặn, nhiễm phèn trên diện rộng, kéo theo đó đất đai xói mòn, hiện tượng đất lở, lũ quét, lụt lội trở thành tai họa thường xuyên đe dọa cuộc sống con người.

Hậu quả của việc mất rừng là thế! Nhưng làm gì để ngăn chặn mất rừng lại không hề hơn giản. Quyết định 245/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với công tác quản lý bảo vệ rừng đã được thực thi hơn 10 năm, song rừng vẫn mất, mà chẳng thấy cán bộ lãnh đạo nào bị xưt phạt hay mất chức vì việc này.

Thủ đoạn của lâm tặc thì ngày một tinh vi và táo tợn hơn, với đủ các mánh khóe từ mua chuộc đến đe dọa rồi tổ chức, đường dây băng đảng, cấu kết nhằm “vô hiệu hóa” lực lượng chức năng. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm thì mỏng, cả nước vỏn vẹn chưa đến 11.000 người chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ hơn 13 triệu héc-ta rừng.

Rừng bị tàn phá, lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc tấn công ngày càng nhiều, nhưng số vụ được khởi tố, đưa ra xét xử lại quá ít. Điều này càng khiến cho căn bệnh trầm kha của ngành thêm “nhờn thuốc” và theo đó những “thế lực” đằng sau đó, lại được thể lộng hành và bạo ngược hơn.

Ngăn chặn phá rừng rõ ràng còn nhiều việc phải làm song việc cần làm ngay là xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Có như vậy mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng phá rừng như vết dầu loang hiện nay, để trong tương lai, chúng ta, con cháu chúng ta sẽ còn được hưởng sự chở che của rừng tự nhiên, không phải hứng chịu những hậu quả từ sự sai lầm của ngày hôm nay./.

DT- theo Tuyết Yến (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất