Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 12/3/2009 10:28'(GMT+7)

ĐBSCL: Có thể thiếu nước ngọt

Nguồn nước ngọt cạn dần

Từ xưa đến nay, ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm. Nhờ đó, vùng đất trù phú này trở thành vựa lúa gạo, tôm cá, trái cây lớn nhất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho ĐBSCL đang đứng trước thách thức thiếu nước ngọt.

Trong 8 năm qua (2000-2008), mực nước cao nhất tại Tân Châu, khu vực đầu nguồn tiếp nhận nguồn nước từ sông Mekong đổ về Việt Nam đã bị thấp xuống gần 0,8m.

Mùa khô năm 2006, lưu lượng nước của sông Tiền và sông Hậu chỉ còn khoảng 1.600m³/giây thay vì 2.500m³/giây như 30 năm về trước. Do nguồn nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ngày càng giảm, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng hơn.

Từ những cơ sở trên, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ nhận định: Thời gian tới, tình trạng khan hiếm nước ngọt ở ĐBSCL vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng hơn; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền với nồng độ mặn ngày càng tăng.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Hiện nay, diện tích mặt đất ở ĐBSCL có nước tràn từ sông vào và diện tích đất chứa nước đã giảm đến 60% so với năm 1968.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do thời gian qua các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh việc tiêu thoát nước để tăng diện tích đất sản xuất lúa, nhiều ao đầm chứa nước đã bị xóa sổ. Do đó, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nạn thiếu nước ngọt.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho rằng: Giải quyết nước sạch cho người dân ở rải rác theo các tuyến kênh, mương là nan giải trong mùa khô năm nay. Hiện có khoảng 80% dân số ở Đồng Tháp được sử dụng nước sạch. Trong đó, chủ yếu ở các đô thị, thị trấn và các khu dân cư tập trung. Trong đó, nhiều người phải sử dụng cây nước để xài.

“Số dân sống theo các tuyến kênh, mương phải chịu cảnh lấy nguồn nước ô nhiễm từ các tuyến kênh, mương kiệt nước này để sinh hoạt. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thiết thực để khắc phục” - ông Dương Nghĩa Quốc, nhìn nhận. Đây cũng là một thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.

Nồng độ mặn có thể đến 5‰

Dù tình hình khô hạn đang diễn biến phức tạp nhưng do trúng mùa, được giá trong vụ đông-xuân 2008-2009, nên nhiều nông dân ĐBSCL đã khẩn trương xuống giống vụ lúa hè-thu ngay sau khi thu hoạch lúa đông-xuân. Việc nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng đã được các tỉnh ĐBSCL làm quyết liệt để giải quyết nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho vụ hè-thu.

“Tình trạng thiếu nước phục vụ tưới tiêu khó xảy ra. Nhưng nông dân phải thức khuya chờ nước lớn và phải bơm chuyền nhiều lần là khó tránh khỏi” – ông Dương Nghĩa Quốc, nhận định.

Từ thực trạng trên, Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo: Vụ lúa hè-thu 2009, nông dân ĐBSCL phải đối mặt với tình hình khô hạn đầu vụ. Về lâu dài, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền với nồng độ mặn có thể lên đến 4‰-5‰ thay vì chỉ 1‰ như hiện nay. Khi nước mặn có nồng độ 4‰ xâm nhập sâu vào ĐBSCL thì nhiều loại cá nước ngọt, cây lúa, cây ăn trái của vùng sẽ khó tồn tại.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng, nếu khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn, ĐBSCL sẽ chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác nhưng chuyện thiếu nước sinh hoạt mới khó giải quyết. Hiện tại, các nhà máy cấp nước ở TP Cần Thơ đều khai thác nguồn nước mặt của sông Hậu ẩn chứa nhiều rủi ro khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm hoặc bị nhiễm mặn.

Tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích: “Sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ là khu vực giáp nước (cuối nguồn), lưu lượng nước trong mùa khô rất thấp. Nếu xảy ra sự cố tàu chở hóa chất bị chìm hoặc các nhà máy ven sông Hậu làm tràn hóa chất ra sông Hậu, thì đoạn sông ở cuối nguồn phải mất nhiều thời gian mới được rửa sạch. Lúc này, các nhà máy nước Cần Thơ không còn nguồn nước nào thay thế”.

Ứng phó cách nào?

Chính phủ đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1 của tiểu dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No nhằm chủ động cung cấp nước sản xuất và trữ nước trong phạm vi 45.000ha đất ở TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.

Tuy nhiên, do tiểu dự án nói trên chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhiều cống và hàng trăm kênh cấp 2 chưa được nạo vét nên tiểu dự án này chưa phát huy hiệu quả. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn các tuyến kênh trong vùng dự án sớm được đầu tư nạo vét để cung cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: UBND TP Cần Thơ đang trình Bộ NN-PTNT xin kinh phí từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ để sớm thực hiện các hạn mục còn lại của tiểu dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No trên địa bàn Cần Thơ. Thời Pháp thuộc, nhiều hồ nước ngọt đã được xây dựng ở trung tâm đô thị Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… để làm nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ, trữ nước và tiêu thoát nước.

Tiến sĩ Dương Văn Ni khuyến cáo các địa phương nên học tập kinh nghiệm trên để ứng phó với tình hình khan hiếm nước ngọt. Mặt khác, ngành nông nghiệp cần khuyến cáo nông dân phải tiết kiệm nước trong sản xuất.

Tầng nước ngầm suy kiệt, ô nhiễm gia tăng

Tại Trà Vinh đến mùa khô hạn, các hộ dân đua nhau khoan giếng bơm tay, làm mực nước ngầm ở đây bị tụt xuống khoảng 8m! Nguy hiểm hơn là Trà Vinh đang có 1.555 giếng bơm tay trong dân “bị hư” không hoạt động từ nhiều năm nay, rất có khả năng xảy ra thông tầng các nguồn nước ngầm và bị nhiễm mặn… Một số xã của huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai (Bạc Liêu) cũng đang trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Hàng trăm giếng bơm tay trong dân không bơm được nước, vì mực nước ngầm đã tụt xuống trung bình khoảng 5m.

A.Dương – C.Phong (SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất