NHIỀU THỦ ĐOẠN MỚI, TINH VI
Tội phạm TDĐ dùng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn để tiếp thị cho
vay, đe dọa khi đòi nợ. Triệt để sử dụng công nghệ cao, núp bóng các
doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh
cầm đồ, các đối tượng tạo vỏ bọc đối phó với cơ quan chức năng để tổ
chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài
chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến
300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay)
nhằm thu lợi bất chính.
Không chỉ phát, dán tờ rơi khắp nơi, một số đối
tượng còn tổ chức hoạt động TDĐ qua mạng internet dưới dạng cho vay trực
tuyến, vay ngang hàng, thông qua các trang web, mạng xã hội, thuê bao
điện thoại không chính chủ... đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền
không cần gặp mặt, thế chấp, cấp tiền ngay, thủ tục đơn giản (chỉ cần
CMND hoặc thông tin cá nhân).
Thủ tục vay ngân hàng thường chặt chẽ hơn vay TDĐ nên đánh trúng tâm
lý nhiều người muốn vay. Hiện cả nước có gần 28 nghìn cơ sở kinh doanh
dịch vụ cầm đồ, trong đó 640 cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoạt
động TDĐ, 4.048 cơ sở có dấu hiệu cho vay tín chấp trái phép, 77 cơ sở
kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1.496 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép,
4.600 cá nhân cho vay lãi nặng (họ, biêu, phường).
Nhiều người chủ quan
nghĩ rằng số tiền vay bằng lãi ngày, lãi tuần ít, có thể trả được, nhưng
khi lãi cộng dồn nợ gốc thì tăng lên gấp bội, nếu trả không đúng hẹn bị
chủ nợ trực tiếp hoặc thuê đầu gấu "khủng bố tinh thần".
Đáng chú ý, một hình thức cho vay mới xuất hiện và phát triển mạnh là
P2P Lending bởi lợi thế so với dịch vụ ngân hàng truyền thống như thủ
tục vay vốn đơn giản, dễ tiếp cận (nhất là các cá nhân có thu nhập thấp,
khó chứng minh tài chính với ngân hàng, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp
nhỏ và siêu nhỏ), có thể giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho bên vay và
cho vay, thuận tiện theo dõi và quản lý khoản lãi, khoản vay thông qua
tài khoản trên tiện ích công nghệ.
Qua rà soát hiện cả nước có hơn 40
công ty hoạt động P2P Lending, tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thu
hút tiền của các nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá
nhân vay tiền nóng, vay tiền nhanh và thế chấp, vay tín chấp, trả góp
hàng tháng, tiết kiệm nhóm với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc
nền tảng ứng dụng.
Ngoài mức lãi suất 10 - 20% năm (cao hơn nhiều so với
lãi suất ngân hàng), người vay còn phải chịu thêm một số loại phí từ 1
đến 5%/năm, có công ty sau ba năm hoạt động có tới 14 nghìn tổ chức và
cá nhân tham gia cho vay trên sàn tài chính với hơn 1,5 triệu khách hàng
vay. Do không được coi là hoạt động tín dụng thông thường, nhận tiền
đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính nên khi xảy ra rủi ro
các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền
bù như thường lệ.
Trong khi đó, hàng loạt rủi ro có thể phát sinh như
bên vay không trả được nợ hoặc công ty P2P Lending dùng tiền đầu tư sai
mục đích, quản lý kém hoặc phá sản dẫn đến khả năng mất một phần vốn của
nhà đầu tư; nguy cơ bị tấn công, sao chép dữ liệu, chiếm quyền điều
hành; đối tượng tham gia sàn giao dịch ẩn danh, mạo danh, cố tình lừa
đảo hoặc cho vay bằng tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số nên việc
giám sát phòng, chống rửa tiền, quản lý ngoại hối, thu thuế khó khăn. Vì
thế, cần khuôn khổ pháp lý để quản lý, đưa hoạt động P2P Lending vào
kinh doanh có điều kiện.
LẤP ĐẦY NHỮNG "KHOẢNG TRỐNG"
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1.174 vụ phạm pháp liên
quan đến hoạt động TDĐ, lực lượng Cảnh sát Hình sự điều tra, xử lý hình
sự 390 vụ, khởi tố, bắt giữ 1.084 đối tượng phạm tội.
Điển hình Cục Cảnh
sát Hình sự phối hợp công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây TDĐ núp
dưới bóng công ty tài chính Nam Long với 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành;
Công an TP Hà Nội triệt phá băng nhóm hoạt động TDĐ núp bóng công ty
Hải Linh, bắt 11 đối tượng, thu giữ hơn 11 tỷ đồng.
Nhằm lách luật và đối phó với cơ quan công an, các đối tượng ngụy
trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng như không
ghi hoặc ghi lãi suất thấp hơn nhiều so với thực tế trong hợp đồng hay
theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác như giấy vay tiền, giấy viết
tay để có thể dễ dàng tiêu hủy, thay đổi; yêu cầu bị hại viết giấy bán
tài sản có công chứng sau đó thuê lại chính tài sản mình đã bán để làm
bằng chứng tố cáo với cơ quan công an là con nợ chiếm đoạt tài sản nếu
không trả nợ đúng hẹn nên xác minh gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể vay nợ
diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều lần viết đi viết lại giấy vay nợ,
thay đổi lãi suất, không phân định rõ giữa giao dịch dân sự với hành vi
hình sự khiến việc đánh giá chứng cứ, định tội của các cơ quan tố tụng
không thống nhất, điều tra bị kéo dài, không đủ cơ sở để khởi tố, xử lý
được đối tượng.
Các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa hoàn thiện cũng tạo kẽ hở để các
đối tượng lợi dụng hoạt động. Đối với hành vi cho vay lãi nặng chưa đến
mức xử lý hình sự nhưng không cầm cố tài sản chưa quy định mức xử phạt
hành chính nên không có cơ sở xử phạt, nếu có cầm cố thì mức xử phạt
theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe (chỉ từ 5 triệu đến 15
triệu đồng).
Mặt khác, theo khoản 1, Điều 201 Bộ luật Hình sự, người nào
trong giao dịch dân sự cho vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức
lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (20%), thu lời bất
chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm thì bị phạt từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải
tạo không giam giữ đến ba năm. Mức hình phạt này thuộc loại ít tội ít
nghiêm trọng, nên khó áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam
theo quy định của Luật Tố tụng hình sự để điều tra, mở rộng, trong khi
thực tế hoạt động này thường do các băng nhóm tội phạm thực hiện.
Và
hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong việc tính lợi nhuận bất
hợp pháp mà đối tượng hoạt động TDĐ hưởng lợi cấu thành hành vi cho vay
lãi nặng: là khoảng chênh lệch 1% hay cả 101%, thu lời 30 triệu đồng
trở lên của một hay nhiều giao dịch cộng lại.
Nghị định 96/2016/NĐ-CP
quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh
có điều kiện mới điều chỉnh kinh doanh cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, chưa đề
cập đến kinh doanh tài chính, hỗ trợ tài chính, cho vay không cầm cố tài
sản, hoạt động kinh doanh vay ngang hàng, vay trực tuyến (P2P Lending-
Fintech).
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường
phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm luật liên quan đến hoạt
động TDĐ. Để quản lý chặt chẽ và xử lý triệt để, cần sự vào cuộc đồng
bộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó lực lượng
công an và ngành ngân hàng là nòng cốt.
Bên cạnh đẩy mạnh điều tra, truy
tố, xét xử các vụ án, không thể xem nhẹ các giải pháp phòng ngừa như
siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các
cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự, cảnh báo các phương
thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát
với lãi suất cao bất thường, hệ lụy từ TDĐ; bóc gỡ tờ rơi, biển quảng
cáo, ngăn chặn các ứng dụng, tin nhắn, rao vặt quảng cáo, tiếp thị liên
quan đến TDĐ; có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay
phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện đáp ứng nhu
cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân; rà soát các văn bản pháp
luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước và tội phạm, vi phạm pháp
luật về TDĐ còn vướng mắc, bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp
tình hình thực tế./.