Nâng cao việc sử dụng vốn vay cho người nghèo
Phóng viên: Bà có thể đánh giá khái quát hoạt động của NHSCXH trong 5 năm qua (2003-2008)?
Tổng Giám đốc Hà Thị Hạnh: Trong 5 năm (2003-2008), NHCSXH đã nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Công thương chuyển qua; đồng thời triển khai thêm 7 chương trình mới của Chính phủ.
Tính đến ngày 30/6/2008, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 45.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2002. Tổng dư nợ đạt 42.200 tỷ đồng. Trong đó, 90% nguồn vốn được đầu tư cho 4 chương trình: hộ nghèo, vùng khó khăn, HSSV và giải quyết việc làm.
Trong 5 năm, đã có hơn 9,1 triệu lượt hộ nghèo vay vốn, 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo thêm 1,9 triệu việc làm mới; hơn 750.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng hơn 820.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Nhìn chung, sau 5 năm, NHCSXH đã tổ chức có hiệu quả việc chuyển tải nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Phóng viên: Có tình trạng là hiện nay có những nơi, người nghèo ngại không muốn vay vốn, nguyên nhân là họ không biết dùng tiền ngân hàng vào việc gì. Trước tình trạng này, NHCSXH có biện pháp gì để giúp cho người nghèo hiểu được chính sách ưu đãi mà Nhà nước, Chính phủ dành cho họ?
Tổng Giám đốc Hà Thị Hạnh: Đây là vướng mắc khó nhất của chương trình tín dụng dành cho người nghèo, làm sao hướng dẫn cho người nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả theo phương châm "Không cho con cá mà trao cần câu". Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ về tài chính, khuyến nông, khuyến lâm, chỉ dẫn thị trường cho người nghèo. Tuy nhiên, đồng bào tại một số vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được chính sách và cách làm. Chúng tôi cho rằng, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành, còn cần phải có sự quan tâm, hướng dẫn của các tổ chức xã hội. Đơn cử như một số nơi, chi nhánh NHCSXH không cho vay bằng tiền mà cho vay bằng hiện vật như đưa trâu, bò, dê đến để hướng dẫn người nghèo chăn nuôi. Đây là câu chuyện dài, không phải làm được trong chốc lát, vì trình độ nhiều đồng bào nghèo còn thấp, kỹ năng sản xuất kém.
Tạo mọi điều kiện để HSSV được vay vốn thuận lợi
Phóng viên: Chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn (cho HSSV vay với lãi suất ưu đãi) được đánh giá là một chính sách rất có ý nghĩa về cả kinh tế, chính trị, xã hội. Thời gian qua, NHCSXH đã làm rất tốt công tác này. Bà có thể cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã giải ngân được bao nhiêu, kết quả thu hồi nợ như thế nào?
Tổng Giám đốc Hà Thị Hạnh: Tháng 5/2003, NHCSXH nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCT) với tổng nguồn vốn là 160 tỷ đồng, trong đó 30 tỷ đồng là của ngân sách Nhà nước cấp, 130 tỷ đồng là vay của Ngân hàng Nhà nước. Dư nợ chúng tôi nhận từ NHCT là hơn 70 tỷ đồng. Lúc đó, NHCT cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay trực tiếp tại trường. Từ tháng 5/2003 đến hết tháng 12/2005, NHCSXH đã cho trên 52.000 HSSV vay, với dư nợ cho vay đạt 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy, cơ chế cho vay trực tiếp đối với HSSV tại trường có nhiều bất cập trong việc sử dụng vốn vay và thu hồi nợ.
Học tập kinh nghiệm từ một số nước như Nhật Bản, NHCSXH đã đề xuất phương án cho vay thông qua hộ gia đình, gia đình HSSV trực tiếp nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ.
Thực hiện theo phương án này, đến tháng 9/2007, NHCSXH đã cho vay gần 100.000 HSSV với tổng số dư nợ là 290 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ cũ chưa thu hồi được cộng với số nợ phát sinh khi chưa thông qua phương án cho vay đối với hộ gia đình là khoảng 17 tỷ đồng.
Thực hiện thu nợ thông qua hộ gia đình, chúng tôi cũng đã thu nợ được trên 5 tỷ đồng đối với các HSSV vay trước đây. Số HSSV vay từ năm 2003, 2004 trả nợ tương đối tốt.
Tuy nhiên, khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg bắt đầu triển khai từ tháng 9/2007 đến nay thì mức cho vay tăng cao, dư nợ hiện nay lên khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện đã có một số hộ gia đình muốn trả lãi dần mặc dù chưa tới kỳ đáo hạn. NHSCXH nhận định, với phương thức quản lý đối với hộ gia đình, và tới đây, giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và NHCSXH sẽ có phần mềm quản lý HSSV sau khi ra trường, thì việc thu nợ sẽ được thực hiện tốt hơn./.
(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)