Thứ Tư, 6/11/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 1/9/2008 20:39'(GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội

Thực tế phát triển nguồn ngân lực hiện nay tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước có nguồn lao động dồi dào, chiếm trên 54% dân số cả nước, với 46,6 triệu lao động. Tuy nhiên, trong số đó có đến gần 80% người lao động trong độ tuổi từ 20-24 khi tham gia thị trường lao động, chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh tỷ lệ người lao động còn yếu về trình độ chuyên môn chiếm phần lớn trong tổng số lao động hiện có thì cơ cấu lao động tại Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất hợp lý. Sự bất hợp lý này phát sinh ngay từ môi trường đào tạo, lĩnh vực đào tạo và phân vùng đào tạo cũng như chương trình đào tạo... Cùng với đó là các yếu tố như thể lực, trí lực, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật của người lao động cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn... Tất cả những yếu tố đó khiến thị trường lao động tiếp tục phải tiếp nhận một nguồn nhân lực không đạt yêu cầu. Thực tế này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như cơ khí, điện tử… Tồn tại này, đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu mang tính chiến lược để giải quyết.

Theo ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam: cần có sự thay đổi toàn bộ hình thức đào tạo công nhân và kỹ sư. Hiện nay, chúng ta có nhiều thợ, nhiều kỹ sư, nhưng kỹ sư giỏi và thợ lành nghề ít, vì vậy mà chúng ta chỉ có thể gia công. Kỹ sư của chúng ta mới chỉ quen làm việc theo công nghệ, mẫu mã của nước ngoài, còn tự mình thiết kế sản phẩm, hoặc sáng tạo ra mẫu mã mới rất ít. Đây là thực tế đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Không ít doanh nghiệp hiện đang than phiền kiếm tìm mãi không được người lao động chất lượng do thị trường khan hiếm nguồn nhân lực có kinh nghiệm, trình độ. Thị trường lao động hiện nay cũng đang khan hiếm tất cả các loại lao động ở các vị trí giám đốc, chuyên gia trên mọi lĩnh vực từ Tài chính, Ngân hàng, Kỹ thuật, IT, Nhân sự đến Bán hàng và Tiếp thị... Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương USD 5.000 - USD 10.000/tháng kèm theo là nhiều khoản ưu đãi, phúc lợi khác để chiêu dụ nhân tài nhưng chưa hẳn đã tìm được nhân sự phù hợp. Từ thực tế hiện nay tại nhiều "tập đoàn tư nhân" của Việt Nam cho thấy, do thiếu nguồn nhân lực cấp cao một cách trầm trọng nên không ít ông chủ đã phải đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc cho hàng chục công ty con của mình. "Nhân sự giỏi" luôn luôn là yếu tố quyết định thành công của tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các công ty Việt Nam lại chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực, cũng như thiếu hẳn cơ chế tài chính rõ ràng để thu hút và giữ được nhân tài. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may TP. HCM, nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may hiện đang cần khoảng 40.000 lao động điều hành sản xuất ở các chức danh giám đốc, quản đốc, quản lý chất lượng, thiết kế... nhưng không tìm đâu ra.

Theo đánh giá khảo sát của Công ty tư vấn thương mại và tài chính - PTI do giành quá nhiều thời gian cho các vấn đề sự vụ, Ban lãnh đạo tại nhiều công ty "tầm cỡ" tại Việt Nam, nhiều khi đã quên đi việc “chỉ dẫn, kèm cặp nhân viên" và “đào tạo đội ngũ kế thừa". Điều đó dẫn đến việc Ban giám đốc không có nhân sự giỏi để giao việc, và vì vậy ngày càng phải tham gia vào các vấn đề sự vụ của cấp dưới. Càng phải tham gia nhiều vào các vấn đề sự vụ lại càng không có thời gian đào tạo nhân viên, vì vậy lại càng không thể có được nhân sự giỏi. Do đó, hơn ai hết, cấp lãnh đạo cao nhất cần phải nhận thức được việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những công việc quan trọng nhất của mình, để có thể giành thời gian cho công việc này một cách đúng mức.

Không ít ông chủ doanh nghiệp than phiền “tìm không ra" người lao động theo nhu cầu, nhưng nhân lực từ các trường đào tạo lại thừa. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. HCM, số lao động tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm hiện tại vào khoảng 8.000 đến 10.000 người, nhưng số sinh viên ra trường đáp ứng được việc làm cho các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25%, số còn lại phải làm công việc trái ngành nghề đã học hoặc phải chờ việc.

Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý chính là "điều kiện" khiến cho thị trường lao động luôn ở tình trạng thừa mà... thiếu. Chính vì vậy, để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra là bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở khu vực đại học, cũng cần có quy hoạch chi tiết và phát triển mạng lưới các trường dạy nghề, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cấp trình độ đào tạo với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, doanh nghiệp… Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng: “Để thực hiện chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là nâng tổng số lao động qua đào tạo đến năm 2010 là 50%, trong đó dạy nghề là 30% thì phải có các giải pháp hết sức căn bản. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng, kiên quyết chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu.

Hiện nay, thị trường lao động của nước ta phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp, khu chế xuất, và ở 3 vùng kinh tế trọng điểm. Nhiều địa phương khác thì thị trường lao động còn ở mức sơ khai; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành của các địa phương chưa có sự gắn kết với kế hoạch sử dụng lao động. Đặc biệt, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị của nhiều địa phương chưa gắn với tạo việc làm ổn định cho người lao động. Giải pháp khắc phục tình trạng này, các địa phương cần có sự hoàn thiện về cơ chế chính sách liên quan đến thị trường lao động.

Được biết, hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đang được Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án về phát triển thị trường lao động để phát triển phù hợp với quy luật thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng. Hy vọng rằng động thái này sẽ cải thiện được thị trường lao động của Việt Nam.

Bài toán chất lượng nguồn nhân lực, hay nói cách khác, nghịch lý “cung thừa" “cầu thiếu”, đã được đề cập nhiều trong các diễn đàn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Để nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, tránh tình trạng thiếu nhân lực có chất lượng, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự “bắt tay chặt chẽ" ngay từ khâu đào tạo nhân lực. Khi đó, nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo đúng với nhu cầu của thị trường. Còn doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Một số đề xuất và giải pháp

- Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phải thay đổi quan điểm thực sự coi doanh nghiệp là khách hàng, dần xoá bỏ quan điểm thực hiện đào tạo theo chỉ tiêu được giao. Giáo dục đào tạo phải chuyển từ bề rộng đi vào chiều sâu. Ngoài chuyên môn, các yêu cầu về sự tự tin, tính năng động, thái độ làm việc, năng lực giao tiếp, sự hợp tác và khả năng làm việc theo nhóm cần phải được chú trọng, nhất là yêu cầu về khả năng thích ứng với công việc trong điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay, mọi lĩnh vực luôn có những biến động, cập nhật trước những nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, cần phải gắn kết được giữa chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, xây dựng một chương trình và khối lượng đào tạo phù hợp. Đây chính là điểm gặp nhau giữa “cung” và “cầu” chất lượng cao, nếu gắn kết được sẽ tạo ra hiệu quả cho xã hội và doanh nghiệp. Từ những yêu cầu trên đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo không chỉ đào tạo về những kiến thức cơ bản mà còn phải đào tạo các kiến thức thực tế.

- Các cơ sở đào tạo cần phải xây dựng được chương trình đào tạo hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thị trường nhằm đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Hiện tại các trường đại học chất lượng cao của thế giới, các trường đại học tư nhân đang dần được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, các chương trình đào tạo đều dựa trên nhu cầu thực tế và phù hợp với yêu cầu quốc tế. Như vậy, nếu bản thân các cơ sở đào tạo trong nước nếu không đáp ứng được về chất lượng đào tạo, chương trình phù hợp thì việc lựa chọn của các doanh nghiệp cũng như sinh viên đầu vào cũng sẽ hạn chế. Đặc biệt là các chương trình đào tạo nâng cao cần phải linh hoạt về nội dung (số môn học) cũng như thời gian đào tạo, gắn kết với các doanh nghiệp để thực tiễn hoá các nội dung đào tạo.

- Việc hỗ trợ của các doanh nghiệp đối với các cơ sở đào tạo thông qua việc xây dựng thông tin về nhu cầu tuyển dụng, hỗ trợ thực tập, hỗ trợ cơ sở vật chất, môi trường thực hành, mô phỏng sản phẩm, nghiệp vụ, quy trình, kinh nghiệm thực tế...

- Đối với doanh nghiệp, khi đưa ra những yêu cầu về đào tạo theo nhu cầu đối với các cơ sở đào tạo theo những chương trình đã được định sẵn sẽ là một sự đầu tư hiệu quả và tiết kiệm nhất. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào lại là bài toán khó cho các doanh nghiệp. Hiện nay cuộc cạnh tranh quyết liệt nhất giữa các doanh nghiệp là cạnh tranh nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực cấp cao và cấp trung thường có xu hướng chuyển dịch từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Cái khó của các doanh nghiệp là làm sao giữ được cũng như thu hút được người tài, có năng lực thông qua các cơ chế như lương, thưởng, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến…

- Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quản trị nguồn nhân lực, vẫn duy trì quan điểm quản lý nhân sự thuần tuý. Điều này cũng chính là một hạn chế lớn cho doanh nghiệp khi đưa ra các nhu cầu cho chính mình về nguồn nhân lực. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp phải chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với một thực tế, đó là sự chuyển dịch lao động giữa các doanh nghiệp nội ngành hoặc thậm chí khác ngành do những nhu cầu chính đáng của lao động (thay đổi môi trường làm việc, nhu cầu về thu nhập, cơ hội kinh doanh...). Chính vì vậy các doanh nghiệp cần phải coi trọng và sớm đưa vào áp dụng các giải pháp quản trị nguồn nhân lực (HRM) - một trong những phần quan trọng trong hệ thống quản lý tài nguyên của doanh nghiệp (ERP).

Việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường lao động. Giải quyết vấn đề cung cầu nguồn lao động sao cho hợp lý chính là lời giải cho việc xây dựng chiến lược đào tạo của các cơ sở đào tạo và là việc quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp một mặt cần nâng cao quản trị nguồn nhân lực sao cho gắn với hiệu quả kinh doanh, mặt khác thông qua các thoả thuận hợp tác chính thức, tham gia và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để hiện thực hoá chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp" của Bộ giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động Việt Nam nói chung và của chính bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập./.

Th.sĩ Phùng Đức Chiến

TT Hội nghị Quốc gia - VPCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất