Năm nào cũng vậy, càng gần đến kỳ họp Quốc hội thì cử tri cả nước lại càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nổi cộm của đất nước, trong đó lĩnh vực ngân hàng được nhiều cử tri quan tâm như lãi suất, hỗ trợ vốn cho nông dân, đặc biệt là liên quan đến sổ tiết kiệm bỗng dưng bị “bốc hơi”, ngân hàng 0 đồng…
(Ảnh minh họa: Vietnam+)
Mua lại 3 ngân hàng 0 đồng là bắt buộc
Trước phản ánh của cử tri về “trách nhiệm trong việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng của 3 ngân hàng là Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng để Ngân hàng Nhà nước gánh nợ”, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã xác định được các ngân hàng yếu kém, trong đó có 3 ngân hàng là Xây dựng, Dầu khí toàn cầu và Đại Dương.
Đây là 3 ngân hàng thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ cao hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Ngân hàng Nhà nước đã đặt 3 ngân hàng này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và yêu cầu 3 ngân hàng xây dựng phương án cơ cấu lại để xử lý những tồn tại, yếu kém.
Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cơ cấu lại, tuy nhiên, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi; Ngân hàng Xây dựng và Đại Dương không thực hiện được phương án đã được phê duyệt, thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong khi đó, các phương án xử lý pháp nhân đối với các ngân hàng yếu kém này đều không khả thi (không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của cả 3 ngân hàng; không thực hiện được phương án phá sản do thời điểm đó chưa có chủ trương cho phá sản ngân hàng, nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội lớn, nguy cơ tác động rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng thương mại khác rất lớn, khó kiểm soát).
Trước tình hình trên, phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn, nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý. Thực tế cho thấy giải pháp mua bắt buộc đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường, người gửi tiền ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 ngân hàng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước không phải hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng này.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, việc để ngân hàng yếu kém, kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng trực tiếp thuộc về trách nhiệm giám sát, quản trị, điều hành yếu kém của các cổ đông lớn, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của chính các ngân hàng này. Theo đó, cổ đông lớn, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, người quản lý, điều hành của các ngân hàng này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng đều đã, đang bị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc các ngân hàng thương mại yếu kém không làm giảm trách nhiệm và nghĩa vụ của các cổ đông ngân hàng, đặc biệt là các cổ đông có sai phạm. Trái lại, thông qua việc trực tiếp cử người tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện phát hiện đầy đủ, chính xác hơn các sai phạm và các nghĩa vụ của các đối tượng này, từ đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định.
Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền
Liên quan đến sổ tiết kiệm bỗng dưng bị "bốc hơi" tại OceanBank, Eximbank được nhiều cử tri đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước, đối với vấn đề này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất.
Chính vì vậy, công tác thanh tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng, trong đó có các hoạt động huy động tiền gửi, thanh toán, thẻ... luôn được ngành ngân hàng coi là nhiệm trọng tâm thường xuyên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn, nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn.
Các biện pháp cụ thể đấu trang, phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm ngân hàng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục trong toàn ngành.
Đối với các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người gửi như trường hợp Oceanbank Hải Phòng, ngay sau khi có các thông tin liên quan đến các vụ việc phát sinh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và xử lý các hành vi vi phạm, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra/kiểm tra làm rõ, xác minh thông tin các vụ việc xảy ra; phối hợp với cơ quan điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền...
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những vụ việc sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động ngân hàng nói chung./.
Thúy Hà (Vietnam+)