Trung Đông sẽ là nơi bị ảnh hưởng lớn nhất do thiếu nước và GDP ở khu vực này có thể giảm tới 15% vào năm 2050.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết,
các nền kinh tế tại nhiều vùng trên thế giới có thể bị suy giảm mạnh
vào giữa thế kỉ này do nước ngọt trở nên khan hiếm vì hiện tượng biến
đổi khí hậu.
Trung Đông sẽ là nơi bị ảnh hưởng lớn nhất và nếu không có biện pháp tái
phân bổ nước hợp lý, GDP ở khu vực này có thể giảm tới 15% vào năm
2050. Những biện pháp có thể khắc phục bao gồm đầu tư công nghệ khử muối
để có nước sạch từ nước biển, tái chế nước cùng các biện pháp sử dụng
tiết kiệm nguồn nước.
Ấm
nóng toàn cầu cũng có thể làm giảm diện tích sông băng và lượng tuyết
chất đống trên núi, vốn được xem là nguồn dự trữ nước ở những địa bàn
rừng núi. Ngoài ra, nước biển dâng từ hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ dẫn
tới tình trạng mặn xâm nhập vào nguồn nước ngầm.
Theo
nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tình trạng thiếu nước ngọt sẽ ảnh
hưởng tới nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp đến năng lượng. Tình trạng khan
hiếm nước sẽ không tác động đồng đều ở các vùng trên thế giới, theo đó
các nền kinh tế Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng trong khi các nền
kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại dải
Sahel châu Phi, GDP có thể giảm 11% do khan hiếm nước và Trung Á cũng
sẽ chịu mức thiệt hại tương đương.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 25% dân số thế giới (chiếm 1,6 tỷ người) hiện sống ở các quốc gia khan hiếm nước ngọt./.
Theo TTXVN