Khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này, dẫn đến kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt...
Sự ra đời của internet, tiếp đó là mạng xã hội (MXH) về mặt khoa học, công nghệ (KHCN) mở ra một thời đại mới cho nhân loại. Nhờ internet, MXH mà con người nhận được thông tin không bị hạn chế bởi vị thế xã hội, tức thì… ở mọi nơi trên thế giới. Dựa trên internet, MXH, ngày nay với máy vi tính (computer), điện thoại thông minh (smartphone) con người có thể tra cứu và trao đổi thông tin ở bất cứ đâu về mọi chủ đề.
Nhiều người cho rằng internet, MXH đã tạo ra một thế giới thứ hai-thế
giới mạng-thế giới ảo. Các nhà khoa học thì cho rằng với internet, MXH,
nhân loại có thêm một hệ sinh thái mới-hệ sinh thái số. Đó là một hệ
thống thông tin trên tất cả lĩnh vực được lưu giữ có thể dễ dàng tìm
kiếm (trên Wikipedia) và nhiều công cụ tìm kiếm, trao đổi thư từ
(trên Google, Yahoo) và tương tác trực tuyến trên Facebook.
Thế nhưng trong hệ sinh thái số, thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách
thức đối với nhân loại, nhất là việc đánh giá tính chân thực của thông
tin từ những việc đơn giản như mua hàng trên mạng cho đến những vấn đề
liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền riêng tư của cá
nhân... Khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên
thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này, dẫn đến kẻ xấu có thể lợi dụng
internet, MXH vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân,
câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định
kiến cá nhân... Thông tin sai sự thật không những ảnh hưởng đến xã hội,
mà thậm chí có người đã tìm đến cái chết thương tâm...
Ở Việt Nam, trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội đã lợi dụng
internet, MXH để nhằm vào việc chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân
dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), như: Xuyên tạc đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam;
bôi nhọ chính quyền các cấp… kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…
Vừa qua (16/8/2018), Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử
sơ thẩm bị cáo Lê Đình Lượng (sinh năm 1965) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành
(Yên Thành, Nghệ An), bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo
trạng, liên tục trong thời gian dài, Lượng lập tài khoản
trên Facebook để tán phát hàng trăm thông tin, clip có nội dung chống
phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kích động tuần hành, biểu tình, gây
rối an ninh trật tự. Trước đó, nhiều bị cáo, như: Trần Thị Nga (Hà
Nam), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng) cũng có hành vi tương tự-lập tài
khoản trên MXH, tán phát bài viết, các clip với nội dung thông tin bịa
đặt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tất cả các đối tượng nêu
trên đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo đúng quy định của pháp
luật.
Các thế lực thiếu thiện cảm với Việt Nam ở nước ngoài cũng sớm lợi dụng
internet, MXH để đưa thông tin can thiệp, chống phá chế độ xã hội, Nhà
nước Việt Nam. Điển hình là hằng năm Hoa Kỳ công bố hai bản Phúc trình
thường niên về tình hình nhân quyền và tình hình tôn giáo trên thế giới
đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao và sứ quán Hoa Kỳ, sau đó được các
cơ quan báo chí, hãng thông tấn phương Tây, như: BBC, RFA, VOA, RFI đưa
lại. Trong các bản “Phúc trình” nói trên, Hoa Kỳ thường xuyên tạc chính
sách, pháp luật Việt Nam, đặc biệt là xuyên tạc quyền tự do ngôn luận,
báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Chứng cứ mà họ bao biện cho hành vi
của mình thường là những vụ án về tội phạm lợi dụng tự do ngôn luận, báo
chí, lợi dụng internet, MXH để tán phát các thông tin xấu độc chống phá
chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, trong dịp Quốc hội khóa XIV thảo luận về dự án Luật Đơn vị
hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt
là dự án Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, nhiều trang mạng phương Tây
cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng “hai điều luật cực
kỳ mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự là Điều 88 về tội “tuyên truyền chống nhà
nước” và Điều 258 về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bắt bớ và bỏ
tù nhiều người bất đồng chính kiến”. Những cuộc biểu tình, gây rối
(ngày 10 và 11/6/2018) ở một số địa phương gần đây với cái cớ là phản
đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, thực tế là đã có bàn tay của
các thế lực thù địch ở nước ngoài lợi dụng internet, MXH để kích động
nhân dân chống lại chính quyền. Nối tiếp những hành động trên, ngày
12/7/2018, một số nghị sĩ cực hữu Hoa Kỳ (nhóm Vietnam Caucus) soạn thảo
văn bản, “kêu gọi” lãnh đạo công ty Facebook và Google không chuyển văn
phòng lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng ở nước ngoài về Việt Nam.
Trên lĩnh vực quyền con người (QCN), sự ra đời của thế giới ảo, hệ sinh
thái số dựa trên internet, MXH là cơ sở KHCN quan trọng hàng đầu trong
nâng cao khả năng bảo đảm của nhà nước, sự hưởng thụ các quyền và tự do
của người dân trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực báo chí và
tiếp cận thông tin. Chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà
nước Việt Nam là tăng cường phát triển KHCN và hội nhập quốc tế, trong
đó có kết nối internet, đồng thời tôn trọng và bảo đảm QCN trên tất cả
lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin.
Hiến pháp 2013 dành cả Chương II quy định về “QCN, quyền và nghĩa vụ cơ
bản của công dân”. Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã
chỉnh sửa và xây dựng nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm những quyền
trên. Trước Hiến pháp 2013, Chính phủ đã ban hành nghị định về “Quản lý,
cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”
(15/7/2013). Trong nghị định này, Chính phủ xác định chính sách phát
triển, quản lý internet của Nhà nước Việt Nam là: “Thúc đẩy việc sử dụng
internet…; khuyến khích phát triển ứng dụng tiếng Việt…; phát triển hạ
tầng internet băng rộng… chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu
vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện
kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; ngăn chặn những hành vi lợi dụng
internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi
phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục...”.
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp
cận thông tin: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử
trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp
phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh
bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của
pháp luật...”.
Theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin thì quyền tiếp cận thông tin
là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Các hành vi
bị nghiêm cấm, bao gồm: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ,
trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông
tin… Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm,
uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ
quan, tổ chức...” (Điều 11). Như vậy có thể nói, khuôn khổ chính sách,
pháp luật của Việt Nam về bảo đảm QCN trong bối cảnh internet, MXH là
đầy đủ, đồng thời những quy định của pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương
thích với luật quốc tế về QCN.
Trên thực tế, việc bảo đảm QCN trong lĩnh vực tự do ngôn luận, báo chí,
tiếp cận thông tin được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện khá sớm.
Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu từ ngày 1-12-1997. Theo tổ chức
nghiên cứu về MXH quốc tế-Next Web, hiện nay Việt Nam nằm trong "Top 10
quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới" với 64 triệu người,
chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Người dân có thể đăng lên
mạng và tải về các video/clip hoàn toàn không bị cấm đoán nếu không vi
phạm pháp luật.
Ngoài các đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các tỉnh, thành phố,
hiện nay Việt Nam có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 MXH, 1.174 trang
thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá dịch vụ internet ở Việt
Nam vào loại rẻ nhất khu vực. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có
thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới,
như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times… mà
không có bất kỳ hạn chế nào.
Như vậy, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với
bảo đảm QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong điều kiện
internet, MXH là đầy đủ, thuận lợi. Tuy nhiên, khi sử dụng internet, MXH
cần nhận thức đúng về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đó là
nghĩa vụ tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng những hạn chế quyền, nhằm
bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp
của cá nhân, tổ chức. Điều này, không chỉ là trách nhiệm về chính trị,
pháp lý mà còn thuộc về đạo đức, lối sống của mỗi người và cũng là quy
định của nhiều quốc gia trên thế giới./.
Bắc Hà (qdnd.vn)