Mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018 nhưng nhìn chung vẫn cần cải thiện, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để người dân tham gia vào quy trình ngân sách.
Đây là một nội dung đáng chú ý trong Kết quả khảo sát được đưa ra tại Hội thảo công bố Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI), do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Viện trưởng VEPR cho biết, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp có xếp hạng công khai ngân sách tỉnh. POBI 2019 bao gồm hai trụ cột về quá trình công khai minh bạch và sự tham gia về ngân sách gồm: trụ cột về minh bạch công khai ngân sách; trụ cột về sự tham gia. Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện khảo sát POBI có các yếu tố về sự tham gia. Khảo sát cũng đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện của các tài liệu về ngân sách địa phương. Đồng thời, khảo sát POBI 2019 lần đầu tiên chấm điểm về độ tin cậy của lập dự toán ngân sách khi so sánh với báo cáo quyết toán tương ứng.
Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30,5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018.
Theo khảo sát POBI 2019, nhóm A - công khai đầy đủ - nhóm những tỉnh có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm, có 24 tỉnh bao gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, An Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Lai Châu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái, Tây Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Nam.
Nhóm B - công khai tương đối - bao gồm 27 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 50 đến dưới 75 điểm. Nhóm này bao gồm: Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Long An, Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre, Cần Thơ, Đắk Nông, Phú Thọ, Hải Phòng, Gia Lai, Tiền Giang, TPHCM, Sơn La, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cà Mau, và Hưng Yên.
Nhóm C - công khai chưa đầy đủ - bao gồm 9 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 25 đến dưới 50 điểm. Nhóm này bao gồm: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Kiên Giang.
Nhóm cuối cùng là nhóm D - ít công khai - gồm 3 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 0 đến dưới 25 điểm, bao gồm: Hòa Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Như vậy, đối với 2019, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này trong năm 2018 chỉ là 31 tỉnh.
TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện VEPR nhận định, sự cải thiện đáng kể của chỉ số POBI 2019 so với những năm trước đó cho thấy, các địa phương nâng cao ý thức trong công khai ngân sách.
Kết quả khảo sát cho thấy “nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai, minh bạch ngân sách của các địa phương”.
Điểm đáng chú ý là, kết quả khảo sát POBI 2019 về phần “sự tham gia của người dân” cho thấy nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách.
Về lĩnh vực này, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 38,01 điểm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm còn Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).
TS. Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đề xuất, để tiếp tục cải thiện mức độ công khai ngân sách, các địa phương cần chủ động công khai đúng thời điểm và đầy đủ theo quy định. Cần tạo cơ chế cho người dân tham gia vào quy trình ngân sách.
"POBI sẽ giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách”, bà Ngô Minh Hương nói.
Còn theo bà Đinh Thị Mai Anh, Trưởng phòng Quản lý ngân sách nhà nước, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), khảo sát POBI có vai trò rất quan trọng, giúp các địa phương có thể đo lường mức độ công khai minh bạch về ngân sách.
Chỉ số công khai ngân sách là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý Ngân sách Nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Được biết, khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (với tên viết tắt tiếng Anh là POBI) là khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về mức độ công khai ngân sách tỉnh bắt đầu từ năm 2017 và tiếp tục được thực hiện đối với năm 2018 và hiện tại là 2019.
“Các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể tiếp tục cải thiện được mức độ công khai ngân sách với tinh thần chủ động, trách nhiệm hơn, nhằm bảo đảm hiệu quả ngân sách, đồng thời có cơ chế cho người dân tham gia trong quá trình ngân sách thông qua việc hiểu và tiếp cận tài liệu về ngân sách kịp thời và đầy đủ”, TS. Nguyễn Đức Thành kỳ vọng./.
Theo chinhphu.vn