Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai trong năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1 với yêu cầu tổ chức 2 buổi/ngày, 35 tiết/tuần và sĩ số 35 học sinh/lớp.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, nhất là công tác chuẩn bị cho chương trình lớp 1 mới trong năm 2020-2021, ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo 24 quận, huyện tập trung nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trường lớp…
Khó đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn về quỹ đất phát triển giáo dục, hệ thống trường lớp nhưng thành phố vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, kể cả đối với người nhập cư, không có hộ khẩu thành phố; nhiều trường lớp được xây dựng mới, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục ngày càng đáp ứng yêu cầu chuyên môn giáo dục.
Theo đó, trong năm 2020 TP Hồ Chí Minh dự kiến đưa vào sử dụng 90 dự án với 1.371 phòng học mới, tăng 868 phòng, trong đó tiểu học tăng 240 phòng học. Quận, huyện có số phòng học được đưa vào nhiều nhất là huyện Hóc Môn với 223 phòng học mới, trong đó có 90 phòng học dành cho tiểu học; kế đến là huyện Bình Chánh là 210 phòng học mới với 42 phòng dành cho tiểu học…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh phải được học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, do áp lực tăng dân số cơ học nên tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở một số quận, huyện vẫn còn thấp. Tỉ lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố hiện nay đạt gần 73%.
Điển hình tại tại quận Bình Tân, trung bình mỗi năm tăng khoảng 5.000-6.000 học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Trong năm học 2020-2021, quận có 72 phòng học mới, trong đó cấp tiểu học có 36 phòng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học mới đưa vào sử dụng chỉ đủ cho số học sinh nhập cư trên địa bàn quận nên chưa thể tổ chức đồng loạt 100% lớp 1 học 2 buổi/ngày.
Ông Ngô Văn Tuyên cũng cho biết thêm, năm học tới dự kiến có 12.300 trẻ vào lớp 1 trong khi học sinh lớp 5 ra trường chỉ có khoảng 9.550 em. Do đó, để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn quận thì trong năm học này chỉ có 32% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Số học sinh không được học 2 buổi/ ngày sẽ được học cả ngày thứ 7 để đảm bảo yêu cầu về số tiết học theo chương trình mới.
Còn tại quận 12, trong năm học tới dự kiến có khoảng 7.500 trẻ vào lớp 1, theo đó sẽ có 70% học sinh học lớp 1 được học 2 buổi/ ngày. Các lớp còn lại sẽ học 1 buổi/ngày với 6 buổi/tuần và phấn đấu sĩ số mỗi lớp không quá 45 học sinh. Một số phường như Hiệp Thành, Tân Chánh Hiệp, trường lớp không đáp ứng đủ, sĩ số trung bình có thể lên đến gần 50 học sinh/lớp.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, để tạo điều kiện cho học sinh được học trọn vẹn chương trình giáo dục phổ thông mới, thành phố sẽ ưu tiên cho học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Còn đối với các trường không thể tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ ngày thì sẽ tổ chức các hoạt động vào thứ 7.
Chú trọng bồi dưỡng giáo viên lớp 1
Trước tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất các cấp chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng thêm trường lớp, thực hiện xã hội hóa giáo dục. Đồng thời UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch cân đối, huy động nguồn lực hỗ trợ để ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhằm đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất.
Cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, TP Hồ Chí Minh còn chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên đáp ứng chương trình mới, đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học lớp 1 trong năm học mới. Theo thống kê, giáo dục tiểu học toàn thành phố có 547 hiệu trưởng, 827 phó hiệu trưởng và 22.239 giáo viên, trong đó có 16.941 giáo viên dạy nhiều môn. Riêng giáo viên lớp 1 có 6.313 giáo viên, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay ngành đang tích cực phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Viễn thông Quân Đội Viettel tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán để triển khai đại trà cho giáo viên toàn thành phố, đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đạt kết quả theo quy định.
Để đảm bảo việc tập huấn được nghiêm túc, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tạo điều kiện cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên (bao gồm các trường công lập và ngoài công lập) được tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, ngoài tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới, thành phố còn tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Theo đó, dự kiến vào cuối tháng 7 sở sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức đợt tập huấn cho tất cả giáo viên dạy lớp 1 về sách giáo khoa mới.
Về việc chọn sách giáo khoa cho năm học mới, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đã công bố 5 bộ sách giáo khoa cho các trường lựa chọn, trong đó bộ sách “Chân trời sáng tạo” được gần 80% các trường tại thành phố lựa chọn. Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc lựa chọ sách giáo khoa tại thành phố được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hồ Chí Minh./.
Theo baotintuc.vn