Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành bán lẻ do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa thực hiện mới đây cho thấy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ báo cáo đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch
Tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng tốc của nhiều doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.
Cũng trong một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ đô la Mỹ (USD) và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP). Hết năm 2022, hoạt động thương mại trong nước đã bắt đầu phục hồi tích cực; các chương trình kích cầu tiêu dùng hay tháng khuyến mại cũng đang được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mua sắm gia tăng.
Có thể đánh giá chung rằng, kết nối cung cầu đang được thực hiện khá tốt; giá cả hàng hóa tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát nhờ việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Chính vì lẽ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đã tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành công thương.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt khoảng 82% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay; đồng thời tồn tại một thực tế cần nhìn nhận đúng, đó là hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Cùng với đó, vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Đó là chưa kể tới tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh còn diễn biến phức tạp.
Trước thực tiễn đặt ra, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bán lẻ là ngành nghề sôi động với sự tham gia của cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài. Hiện nay, ngành kinh doanh bán lẻ; nhất là trên các kênh thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ. Các nhà bán lẻ rất nhanh nhạy chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Song song đó, cũng có nhiều nhà sản xuất đã tận dụng tốt các website của chính doanh nghiệp mình; cũng như các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản…
Vì vậy, sắp tới đây, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đang xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Theo đó, nhờ việc tích cực chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ thanh toán nhanh hơn, tự động hóa việc thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị. Có những doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI hay công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán... Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
“Năm 2023 chắc chắn là năm mà ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh, đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung, đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch”, bà Hậu kết luận./.
Theo TTXVN