Thứ Sáu, 22/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Sáu, 30/12/2022 17:53'(GMT+7)

Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với thương mại Việt Nam

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

1. Lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tiềm năng, do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ; tầng lớp “trung lưu” đang phát triển mạnh, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Thương mại nội địa chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực thị trường mới nổi. Dung lượng của thị trường trong nước còn thấp, mới xấp xỉ 1/2 lần so với thị trường xuất khẩu và khoảng 1/4 so với thị trường xuất, nhập khẩu.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực thương mại đã tạo ra áp lực cho các chủ thể bán lẻ trong nước, vốn bị hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ,... Các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận để đưa hàng hóa vào bán tại các cơ sở phân phối vì mức chiết khấu.

Chuỗi cung ứng hàng hóa trong hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã mang lại những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và nhà kinh doanh) vẫn chưa tạo được những đột phá và chuyển biến mạnh mẽ, khiến nông sản Việt Nam nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng phải “giải cứu”.

Thời gian qua, tuy kết cấu hạ tầng phục vụ logistics ở nước ta được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu. Chi phí logistics vẫn ở mức cao, chiếm hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới (11% - 12% GDP).

Nhìn toàn cảnh, thị trường nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi vẫn là một thị trường có sức mua bình quân đầu người khá thấp, mang tính phân tán. Quy luật lợi nhuận sẽ thúc đẩy việc tập trung mạng lưới ở các nơi giao lưu thuận tiện, kết quả là thị trường nông thôn đang có khuynh hướng bị khu vực hóa với một số vùng hết sức khó khăn, có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết cho kinh tế hàng hóa.

Hạ tầng thương mại, như chợ đầu mối, kho hàng hóa... cũng chưa theo kịp nhu cầu. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Chính sách ưu đãi đầu tư (thuế, đất đai, tín dụng...) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nói chung và ngành phân phối bán lẻ nói riêng còn nhiều bất cập. Các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa với nguồn lực hạn chế, khả năng tiếp cận công nghệ thấp, thiếu cả công cụ và kinh nghiệm, rất dễ bị “chèn ép”.

Nhìn tổng quát, còn quá ít những doanh nghiệp và hệ thống phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, nhân lực, công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa. Sự phát triển của hệ thống phân phối trong nước vẫn chủ yếu theo bề rộng, thiếu sự liên kết, hợp tác, ổn định...

Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần trở thành hình thức kinh doanh phổ cập. Tuy nhiên, những dịch vụ và tiện ích của TMĐT Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu, vẫn còn một khoảng cách lớn so với nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt Nam trên các sàn TMĐT vẫn thấp. Việc “lép vế” trên kênh mua sắm trực tuyến, khiến các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ đánh mất cơ hội phát triển.

Chúng ta chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Tính gia công của sản xuất, tính đại lý của thương mại ở nước ta còn rất lớn. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) chiếm tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).

Quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường nhìn chung diễn ra tương đối tốt trong những năm gần đây, tuy nhiên, sự chuyển dịch này chưa được định hướng trên một tầm nhìn dài hạn. Chính vì vậy, nó đã nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu, khó có thể phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng cao cũng như khả năng “len chân” vào các thị trường ngách.

Một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản,... do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra.

Nhập khẩu đã có chuyển biến theo hướng ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào. Tuy nhiên, trong cơ cấu nhập khẩu, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng còn chiếm tỷ trọng thấp, phần lớn vẫn là công nghệ trung gian, công nghệ trung bình nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu. Giá nhập khẩu của một số mặt hàng tăng khá cao, tác động tiêu cực đến cán cân tổng thể, thị trường ngoại hối, tỷ giá thương mại...

Xúc tiến thương mại được gia tăng, khởi sắc, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự gắn kết với quá trình sản xuất.

2. Giai đoạn 2022-2025, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là sản xuất và chế tạo những sản phẩm gì để thỏa mãn nhu cầu của thị trường nội địa và tham gia thị trường thế giới? Cần nhanh chóng cấu trúc lại thị trường, trước hết là mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế; đồng thời, cấu trúc lại nền kinh tế.

Trong một tương lai gần, phải “đón đầu” xu hướng phát triển của dịch vụ bán buôn, từng bước hình thành các trung tâm bán buôn hiện đại. Khi ngày càng có nhiều thương hiệu Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh; hướng các nhà phân phối, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành nên các chuỗi cung ứng hàng hóa. Phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại.

Về loại hình kinh doanh, cần hướng vào phát triển một lực lượng đông đảo các cửa hàng tiện lợi. Từng bước liên kết lại thành chuỗi; trong đó, doanh nghiệp chỉ huy chuỗi (công ty mẹ) sử dụng công nghệ “tracking”, theo dõi đơn hàng thông qua việc cung cấp các dãy số nhất định, được các nhà vận chuyển gửi cho khách khi xác định đơn hàng và trung tâm logistics (logistics nội bộ) bảo đảm “trọn gói” việc cung cấp hàng hóa theo đặt hàng cho toàn bộ các cửa hàng trong chuỗi.

Là khu vực rộng lớn, thị trường nông thôn là địa bàn giàu “tiềm năng” với hàng Việt Nam, thương nhân Việt Nam, cung cách kinh doanh Việt Nam,... Vì thế, tư tưởng cơ bản và nhất quán là sự vận động thông suốt của hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng được thực hiện theo nhiều hình thức tổ chức với quy mô và cấu trúc khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, khi sản xuất ở khu vực này chủ yếu với quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình thì lưu thông phải phát triển mạnh, mới mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hóa. Vì thế, cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia đình. Cần đặc biệt coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã, vai trò các hợp tác xã dịch vụ tự nguyện. Việc xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ gồm nhiều chủ thể kinh doanh với các hình thức sở hữu đa dạng được xem là “mắt xích” hết sức quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường nông thôn.

Cần tiếp tục củng cố, phát triển chợ truyền thống trên thị trường nông thôn, trọng tâm là chợ dân sinh. Đồng thời, lựa chọn kỹ các điều kiện để phát triển một số chợ đầu mối bán buôn nông sản gần các trung tâm tiêu dùng lớn.../.

THÙY LINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất