Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Năm, 28/2/2019 10:9'(GMT+7)

Ngành Dân số cần có đột phá trong năm 2019

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Võ Thu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Võ Thu

“Đường đi phải rõ và giải pháp phải hữu hiệu”

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Tổng cục Dân số đã bước sang một trang mới. Đầu tiên là chức năng nhiệm vụ đã được Nghị quyết 21-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương ban hành là chuyển trọng tâm từ DS - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

Theo đó, Dân số và Phát triển gắn với Đề án mà trong năm nay Bộ Y tế bắt đầu triển khai theo Nghị quyết 20 là sức khỏe Việt Nam: Đó là chăm sóc cho người dân làm sao có sức khỏe tốt, có thể lực, tầm vóc, trí tuệ, tuổi thọ cũng như chất lượng tốt. “Trong đó phần lớn là chức năng và nhiệm vụ của Tổng cục Dân số. Cho nên nhiệm vụ của các đồng chí rất nặng nề đòi hỏi đột phá, đổi mới tư duy và hội nhập rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, những vấn đề rất cần quan tâm trong thời gian tới là phải nâng cao tầm vóc thể lực của người Việt Nam, ứng phó với dân số già, nâng cao chất lượng dân số qua các hoạt động sàng lọc trước sinh và sau sinh; tăng tuổi thọ người dân; phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa bệnh tật… “Hầu hết những nhiệm vụ đó là của Tổng cục Dân số đối với hơn 90 triệu người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ những khó khăn thách thức trong giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh, đô thị hóa và phân bổ dân cư. Bởi chất lượng dân số không chỉ là sức khỏe mà còn là vấn đề phát triển. Bộ trưởng cho hay, khi làm Nghị quyết 21 là chúng ta nghiên cứu tác động về di dân, về già hóa dân số và gánh nặng, về hạn chế của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh vì chương trình mục tiêu, ngân sách có hạn. Do đó, Bộ trưởng mong muốn những lĩnh vực nào có thể xã hội hóa được thì đều nên làm.

Vấn đề lớn thứ hai, theo Bộ trưởng, đó là bộ máy tổ chức có những thay đổi, đòi hỏi thích ứng với sự phát triển của Tổng cục. Dù có sự đổi mới chung về tổ chức bộ máy nhưng vai trò của Tổng cục Dân số là không thể thay thế. Bộ trưởng mong muốn sẽ sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức của ngành Dân số trong thời gian tới. “Các đồng chí phải tham mưu bộ máy nào để phục vụ cho người dân tốt nhất. Trung tâm Y tế huyện đa chức năng (trong đó có bộ máy của hoạt động về dân số) sẽ trực thuộc UBND huyện hay trực thuộc Sở Y tế. Bộ đang đứng trước nhiều ý kiến khác nhau, sắp tới câu hỏi này phải có câu trả lời.

Vấn đề thứ ba Bộ trưởng đề cập là nhân lực. Theo đó, phải xác định nhiệm vụ để xây dựng đội ngũ, phải có chuyên môn và trình độ quản lý nhà nước, quản lý về tài chính và cơ sở hạ tầng đặc biệt là về tư duy quản lý khoa học, quản trị và lãnh đạo. Đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu trong thời gian tới.

Những năm qua, ngành Dân số đã có nhiều nỗ lực nhưng cần có đột phá đổi mới trong năm 2019 để thực hiện Nghị quyết 21. Tập thể lãnh đạo Tổng cục Dân số cần tập trung trí tuệ để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Gắn chương trình chăm sóc sức khỏe Việt Nam với Dân số và Phát triển, phát huy mạng lưới cộng tác viên dân số ở cơ sở. Bộ trưởng chỉ đạo: “Nhiệm vụ của ngành Dân số nặng nề, do đó đường đi phải rõ và giải pháp phải hữu hiệu”.

Nỗ lực triển khai thành công Nghị quyết 21

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về nhiệm vụ và những hoạt động trọng tâm của Tổng cục Dân số trong thời gian tới, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: Công tác dân số là công tác vừa có tính cấp bách vừa là chiến lược, lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không phải là vấn đề mà ta có thể nhìn thấy ngay được như các vấn đề điều trị bệnh trong y tế, vấn đề môi trường... Giải quyết vấn đề trong dân số không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đó là vấn đề của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm sau.

Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng dân số nước ta cả về mặt thể lực chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng nhưng vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế của nó. Bên cạnh đó là những thách thức về chất lượng dân số, về tỷ số giới tính khi sinh, về an sinh xã hội cho người cao tuổi… Lo ngại lớn hơn nữa là bộ máy tổ chức đang thiếu ổn định, nguồn lực cho công tác dân số bị cắt giảm… Những khó khăn đó đang “hiện thực hoá” thực trạng mà Nghị quyết 21 đã chỉ rõ; đồng thời làm tăng thêm lo lắng về việc làm thế nào để triển khai thành công Nghị quyết 21 khi còn quá nhiều khó khăn nêu trên.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, Nghị quyết 21 nhấn mạnh tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung hết sức quan trọng. Bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển toàn diện, ngành Dân số vẫn song song tập trung đẩy mạnh tư vấn và cung ứng dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nhiệm vụ giảm sinh đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn phải liên tục duy trì. Giai đoạn tiếp theo công tác dân số phải triển khai đồng loạt các vấn đề khác. Trước những vấn đề mới, thách thức mới, công tác truyền thông vận động xã hội có một vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công.

“Thời gian tới, ngành Dân số sẽ tập trung truyền thông vào các vấn đề: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu “dân số vàng”; thích ứng với già hóa dân số; điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước”, ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Để triển khai thành công các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết 21-NQ/TW đã nhấn mạnh: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy... Từ đó, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: “Năm 2019 là năm có rất nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài. Tôi mong muốn những người làm công tác dân số ở cơ sở phát huy lòng nhiệt thành, tâm huyết, tinh thần vượt khó và truyền thống đoàn kết mà chúng ta đã có và đã gây dựng hơn nửa thập kỷ qua; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao. Mong rằng công tác dân số sẽ có những khởi sắc trong năm 2019 và những năm tiếp theo, để sự nghiệp dân số phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”./.

Theo giadinh.net.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất