Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 29/12/2008 21:49'(GMT+7)

Ngành thanh tra đã chủ động, sâu sát hơn

Tại Hội nghị tổng kết Thanh tra toàn quốc năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, những kết luận, kiến nghị thanh tra năm qua đã rõ, gọn, sát hơn, được Chính phủ và dư luận đồng tình, phát huy được tác dụng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực; nhất là những kết quả thanh tra diện rộng về việc chấp hành chính sách, pháp luật của ngành thuế.

“Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ rõ nét, giải quyết được rất nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, giúp cho tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm nay giảm hẳn về tính chất, mức độ và số vụ việc phức tạp, đông người”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành Thanh tra như kết luận thanh tra một số cuộc còn chậm, có điểm thiếu các yếu tố thuyết phục, việc đôn đốc, xử lý sau thanh tra chưa sâu sát và còn một số kết luận chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ tái khiếu kiện ở một số nơi còn cao, có những vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa tập trung giải quyết dứt điểm. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả đạt được còn khiêm tốn, việc phát hiện số vụ việc tham nhũng qua công tác thanh tra chưa nhiều.

Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã thông báo về 5 trọng tâm công tác trong năm 2009 của ngành thanh tra, trong đó tập trung vào việc đổi mới công tác và coi trọng thông tin-truyền thông.

Năm trọng tâm gồm: tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng công tác thanh tra phục vụ thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị; coi trọng việc nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương pháp, phong cách công tác, tạo ra sự vận hành đồng bộ; coi trọng công tác thông tin, truyền thông; tiếp tục đổi mới công tác, gắn với đổi mới tổ chức, cán bộ; có giải pháp cụ thể để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng cơ quan thanh tra văn hóa, cán bộ thanh tra gương mẫu, có văn hóa./.

Năm 2008, toàn ngành kết thúc 10.477 trong tổng số 11.409 cuộc thanh tra đã triển khai, phát hiện sai phạm về kinh tế 7.053 tỷ đồng, 287.847 USD, 12.308 ha đất; đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 3.808 tỷ đồng, 2.565 ha; giảm trừ quyết toán và xử lý khác 2.873 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 237 tập thể, 1.751 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 66 vụ việc, 95 người. Trong đó: Thanh tra Chính phủ đã kết luận 20/29 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 4.531 tỷ đồng, 287.847 USD, 8.508 ha đất; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 2.836 tỷ đồng, 89.347 USD, giảm trừ quyết toán và xử lý khác 1.517 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 33 tập thể, 35 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ, 5 người. Thanh tra bộ, ngành, địa phương đã kết luận 10.465/11.391 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 2.522 tỷ đồng, 3.800 ha đất; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 971 tỷ đồng, 2.565ha đất; giảm trừ quyết toán và xử lý khác 1.355 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 204 tập thể, 1.716 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 63 vụ, 90 người. Lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 183.125 tập thể, cá nhân trên nhiều lĩnh vực, phát hiện 54.786 tập thể, cá nhân có sai phạm với số tiền 298 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 203 tỷ đồng; xử phạt 84 tỷ đồng.



TG - TTXVN

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất