Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 27/12/2008 21:2'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: TP Hồ Chí Minh phải giữ vai trò đầu tầu cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế năng động của cả  nước - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế năng động của cả nước - Ảnh: Chinhphu.vn

Năm 2008, trong bối cảnh chung của cả nước chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế thế giới, thành phố Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố dưới chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương và Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, thành phố đã đạt những thành tựu quan trọng. Trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu thuộc các nhóm phát triển kinh tế, xã hội đã có 15 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch, GDP tăng gần 11%.

Các Tổng công ty nhà nước đều hoàn thành kế hoạch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát. Giá trị công nghiệp ngoài nhà nước cũng tăng 10,7%.

Năm 2008, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh đạt 8 tỷ USD, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ, cao hơn cả tổng vốn tính chung trong 6 năm (2002-2007). Hiện thành phố đang triển khai một số công trình trọng điểm như, công trình Đại lộ Đông-Tây; Cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2;Đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi- Vành đai ngoài; Cầu Phú Mỹ.

Trong năm, thành phố đã tổ chức 170 hội chợ, triển lãm chuyên ngành, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp và các nhà sản xuất trong và ngoài nước tham gia tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Mô hình “một cửa liên thông” đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trên các lĩnh vực cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế…

Trong bối cảnh khó khăn, thành phố Hồ Chí Minh vẫn giải quyết được 277.800 lao động có việc làm, đạt trên 102% kế hoạch. Ước tính cuối năm nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố còn khoảng 0,6%, hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo.

Các công tác khác như, sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý đô thị, quy hoạch, xây dựng, nhà đất; Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giáo dục và đào tạo; tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; quốc phòng an ninh cũng được thành phố chỉ đạo thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực…

Bên cạnh đó thành phố cũng nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế như, năng suất lao động còn thấp. Nguồn cung lao động có tay nghề khan hiếm, khiến các doanh nghiệp trên địa bàn phải thu hẹp sản xuất, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển. Kết quả Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế 2006-2010 chưa thật sự rõ nét; giao thông, vệ sinh môi trường chưa đáp ứng nhu cầu ; công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự nghiêm minh và triệt để; việc triển khai Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa chuyến biến rõ nét và chưa có giải pháp mang tính căn bản, lâu dài; tình hình khiếu kiện, nhất là bức xúc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn; năng lực cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì giao ban giữa Chính phủ, một số Bộ, ngành với lãnh đạo chủ chốt thành phố
Hồ Chí Minh - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội nghị này, lãnh đạo UBND thành phố cũng báo kết quả triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31/12/2007 và Thông báo số 110/TB-VPCP về tiến độ triển khai các nội dung cần thực hiện nhằm phát triển kinh tế xã hội và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ, ngành phối hợp đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, trình bày kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2009.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đều đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hồ Chí Minh năm 2008, cho rằng 15 trong số 20 chỉ tiêu thành phố đã hoàn thành là cố gắng lớn. Việc từng quý thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng kinh tế hơn 11%, huy động vốn tăng cao, trong đó huy động vốn ngoài quốc doanh lớn, số doanh nghiệp đăng ký thêm nhiều…đã đưa thành phố tăng năng lực cạnh tranh, xếp thứ 13 trên 63 tỉnh, thành.

Các Bộ cũng đề nghị sớm thành lập Công ty Tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh; di dời khu cảng Sài Gòn và Ba Son; di dời một số cơ sở khác ra khỏi nội thành; quy hoạch các trường đại học, cao đẳng; chú trọng đến giao thông đô thị, cấp thoát nước; quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh. Thông tin mạng cần phải quản lý quyết liệt hơn, cần khởi công công viên phần mềm…

Đầu tầu thực hiện 5 nhóm giải pháp cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong năm đầy khó khăn thách thức vừa qua. Thủ tướng cũng đồng tình với báo cáo của thành phố, phản ánh đầy đủ, sát thực tế mọi mặt kinh tế, xã hội của thành phố với những đóng góp quan trọng như chiếm khoảng 21% GDP; 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% xuất khẩu của cả nước.

Thủ tướng chỉ đạo, năm 2009 sẽ khó khăn hơn, thành phố cần phát huy kết quả đạt được, tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó cần xác định vai trò nòng cốt, đầu tầu trong thực hiện. Thành phố phải cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Phải tính toán thực hiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, xuất khẩu phải đạt 23 tỷ USD. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới; tăng cường quản lý trật tự an toàn đô thị, giao thông, phát huy hơn nữa công tác cải cách hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm thực hiện dự án thành lập Công ty tài chính tại TP Hồ Chí Minh; đô thị mới Thủ Thiêm. Đối với dự án cảng Ba Son, các Bộ cùng địa phương bàn bạc, có thể ứng vốn trước để quyết liệt thực hiện và hoàn thành trong 2 năm. Thủ tướng chấp thuận việc quy hoạch di dời các trường đại học ra ngoài thành phố. Thủ tướng đồng ý cho thành phố phát hành thêm trái phiếu huy động 1 tỷ USD vốn đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong năm tới.

Năm 2008 GDP thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 289.550 tỷ đồng, tăng gần 11%. Dịch vụ tăng 12,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; nông nghiệp tăng 1,5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 40,66 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 22,33 tỷ USD, tăng 21,8%; kim ngạch nhập khẩu 18,33 tỷ USD, tăng 22, 2%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 118.000 tỷ đồng, tăng 33%.



(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất