Thứ Hai, 7/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 2/1/2016 8:28'(GMT+7)

Ngành Thông tin và Truyền thông với những dấu ấn quan trọng năm 2015

Năm 2016- tập trung làm tốt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

Năm 2016- tập trung làm tốt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025


Khẳng định vị trí, vai trò trong nhiều lĩnh vực
Trong năm 2015, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã làm được nhiều việc mới, có kết quả rõ rệt. Trong đó, đáng chú ý là ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; tham mưu với Chính phủ, thực hiện tốt nhiều chính sách quản lý, phát triển báo chí, công nghệ thông tin. Cụ thể:
- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Trong năm, nhiều cơ chế, chính sách mới được Bộ nghiên cứu, thể chế hóa thành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn ngành trong thời gian tới. Bộ đã ban hành 37 thông tư, trong đó có 2 thông tư liên tịch với Bộ Tài chính. Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của ngành; hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Trên cơ sở các đề án do Bộ tham mưu và xây dựng, năm 2015, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thông qua 18 đề án, gồm: Luật An toàn thông tin mạng, 02 nghị quyết và 01 nghị định của Chính phủ, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
- Hoạt động báo chí, xuất bản theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước
Trong năm 2015, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Báo chí tích cực tuyên truyền việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... Nhiều cơ quan báo chí tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại. 
Báo chí làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
- Công tác ứng dụng công nghệ thông tiếp tục được đẩy mạnh
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được tăng cường với việc thường xuyên hỗ trợ phân tích, khắc phục các điểm yếu an toàn thông tin và ứng cứu sự cố bị tấn công mạng cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương. Thực hiện tốt chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc; cảnh báo kịp thời các vấn đề về website giả mạo; mã độc; tấn công thăm dò, từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện. 
- Các doanh nghiệp thuộc Bộ hoạt động ổn định và hiệu quả
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, mạnh mẽ với từng bước đi cụ thể, chắc chắn, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giúp cho các doanh nghiệp thuộc Bộ hoạt động ổn định và hiệu quả theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra. Qua quá trình tái cơ cấu, đến nay các doanh nghiệp như VNPT, MobiFone, VNPost, VTC đều đảm bảo hoạt động ổn định, phát triển bền vững, doanh thu và lợi nhuận tăng cao, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước tiếp tục giữ vững vị thế và thị phần cao trên thị trường, thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào một số thị trường như: Lào, Campuchia, Mozambique, Peru.... 
Dịch vụ bưu chính, viễn thông luôn nằm trong nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng trong nước; kim ngạch xuất khẩu điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện đều có mức tăng trưởng cao, từ 25% đến 38%. Công nghiệp Công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. 
Trong năm 2015, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp viễn thông, Công nghệ thông tin, truyền thông ước đạt hơn 520.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là con số này chưa bao gồm doanh thu công nghiệp Công nghệ thông tin. 
Bên cạnh doanh thu "khủng", tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành cũng ước đạt tới 63.380 tỷ đồng. 
- Khó khăn, thách thức và hạn chế
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành TT&TT còn không ít khó khăn, thách thức và hạn chế như: Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chồng chéo về nội dung, đối tượng phục vụ; xu hướng thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng chưa được khắc phục có hiệu quả. Các lĩnh vực thông tin kinh tế, đối ngoại; đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đạt hiệu quả chưa cao... 
10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016
Năm 2016, Bộ sẽ triển khai 10 công tác trọng tâm, trong đó đáng chú ý là việc đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện các văn bản đã đăng ký với Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Luật Báo chí (sửa đổi); tăng cường ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quản lý, phát triển bền vững ngành thông tin và truyền thông. 
Bộ cũng tăng cường triển khai những đề án, quy hoạch như: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020... Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia về thông tin mạng. 

Đức Anh



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất