Tham gia buổi làm việc có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng.
ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU THÀNH TỰU QUAN TRỌNG
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực.
Phong trào xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản, khu phố văn hóa của Việt Nam, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, thể hiện ở sự gia tăng số lượng người tập thường xuyên, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành, bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Các kết quả đáng tự hào của thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế là động lực, cổ vũ tinh thần cho nhân dân.
Hệ thống pháp luật ngành được tiếp tục hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, gia đình, từng bước triển khai chủ trương phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Lực lượng văn nghệ sỹ và văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Sự xuất hiện của lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng.
Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó, đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân.
Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi, góp phần làm cho hoạt động này trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của nhà nước. Các hoạt động văn hóa, đối ngoại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại.
THẲNG THẮN NHÌN NHẬN NHỮNG TỒN TẠI
Tại buổi làm việc, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 33 còn bộc lộ một số bất cập. Đó là, bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; do đó, không phân định cụ thể trách nhiệm rõ ràng dẫn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao không cao. Thủ tục hành chính còn rườm rà, năng lực phẩm chất, ý thức, kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém.
Công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như mục đích và yêu cầu đề ra; còn nhiều vụ việc làm thất thoát, lãng phí tài sản lớn của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Đời sống văn hóa, thể thao của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nghèo nàn. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quan tâm, quy hoạch.
Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp, khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống còn gặp khó khăn trong việc đào tạo, tuyển chọn diễn viên, nhạc công kế cận.
Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi. Hoạt động của các mô hình về gia đình có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao.
NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Song song với đó, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các thiết chế văn hóa.
Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế.
Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển.
Xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các gia trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hóa Việt Nam, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia.
Tập trung đổi mới, phát triển một số lĩnh vực ưu tiên để phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về văn hóa, để từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; thực sự phải coi “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cần tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực về nghệ thuật truyền thống. Có cơ chế chính sách đặc thù cho văn nghệ sỹ ở các lĩnh vực như múa, xiếc. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành văn hóa ở địa phương.
GÓP Ý TỪ CÁC BỘ, NGÀNH
Những ý kiến của các đại biểu Ban Chỉ đạo tại buổi làm việc đều đồng tình, đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33. Từ đó, cũng đặt ra nhiều vấn đề để ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục nghiên cứu và làm rõ, góp phần cho Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tốt trình cho Bộ Chính trị, Ban bí thư để chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị, trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 33, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá sâu sắc hơn những yếu tố tác động tới con người Việt Nam trong tình hình hiện nay. Từ đó, mới có thể đề ra những giải pháp thiết thực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hoặc đối với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ngành văn hóa cũng cần có sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp để xây dựng môi trường ở khu dân cư lành mạnh – một trong những yếu tố rất quan trọng tác động tới việc hình thành nhân cách con người, văn hóa gia đình...
Nhấn mạnh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo đã có bước phát triển mới, nhưng đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị, ngành văn hóa cũng phải trăn trở, vì sao trong quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, chưa có tác phẩm văn học nghệ thuật cách mạng nào xứng tầm với sự nghiệp đổi mới.
Đề cập tới các công trình văn hóa ở địa phương, đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần tăng cường chỉ đạo việc sử dụng hiệu quả các công trình đã được xây dựng.
Nêu rõ việc cưới, tang, lễ hội trong giai đoạn đầu triển khai Nghị quyết 33 nhiều địa phương thực hiện rất tốt, đồng chí Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, ngành cần phải đánh giá kỹ hơn về nội dung này bởi vì đã có nhiều biến tướng phát sinh. Cần phải nhìn rõ các biến tướng, nhược điểm của việc cưới, tang, lễ hội để sớm có phương hướng khắc phục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã nêu rõ những kết quả tích cực của việc phối hợp liên ngành giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới như: đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”…
Nhắc lại một trong những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 33 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận: “bộ máy tổ chức cồng kềnh”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, cần làm rõ sự chồng chéo, cồng kềnh do đâu, biện pháp khắc phục cụ thể là gì.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, hoàn chỉnh báo cáo về việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 33; có báo cáo cụ thể về việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 33, trong đó thể hiện rõ tình hình thực tế, thực trạng văn hóa, xây dựng con người văn hóa và những thách thức cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, cần đổi mới, thay đổi tư duy giữa "cái cũ" và "cái mới" bởi hiện nay có rất nhiều trào lưu văn hóa, sở thích của giới trẻ, nếu không chú ý sẽ có thể dễ dàng bài xích, phản đối; phải chăng đây là cái cần đề ra để sơ kết Nghị quyết có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hiện nay một số phong trào văn hóa sau một thời gian thì bắt đầu giảm sức sống, có biểu hiện hình thức, một số tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống mang tính cào bằng không còn phù hợp, ví dụ như chuẩn về nông thôn mới, trường học, nhà văn hóa nhưng không đi sâu, cào bằng hình thức, thậm chí lãng phí.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ cần làm sâu sắc việc áp dụng công nghệ mới, như: Thông tin số hóa, âm thanh, ánh sáng trog hoạt động văn hóa… Bởi muốn thực hiện tốt hơn, ngoài nhận thức phải chuyển đổi tư duy và cách làm.
CẦN LÀM TỐT HƠN, MẠNH HƠN, HIỆU QUẢ HƠN
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng đã hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, chu đáo các nội dung, văn bản cho buổi làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khẳng định việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam; văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Trong thời gian qua, Ban cán sự Đảng của Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc quán triệt Nghị quyết 33, tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định pháp luật, tổ chức thực hiện Nghị quyết và đạt được những kết quả rất quan trọng trong các lĩnh vực công tác.
Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, so với yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng bền vững đất nước, còn nhiều vấn đề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải làm tốt hơn, làm mạnh hơn, hiệu quả hơn. Có những vấn đề đã có nhưng chậm đi vào cuộc sống. Có những vấn đề chưa được kịp thời tham mưu, chưa có chuyển biến rõ nét từ quan điểm đến tổ chức thực hiện. Trong đó, có vấn đề chung của các ngành, các cấp ủy và tổ chức Đảng; nhưng cũng có vấn đề riêng thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đặt câu hỏi văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, đây là cũng là một vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm; một mình Ban cán sự Đảng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thể làm được. Việc đẩy lùi cái xấu, cái ác, đạo đức xã hội còn nhiều bức xúc, xu hướng hành xử bạo lực hiện nay... và đây cũng không phải vấn đề của riêng ngành văn hóa.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, ở góc độ riêng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần cố gắng hơn nữa trong một số lĩnh vực của mình.
Về chất lượng hiệu quả hoạt động của văn hóa, văn nghệ, trên thực tế, số lượng sách in nhiều hơn, tác giả trẻ nhiều hơn, có nhiều hiệu sách, đường sách, phố sách được tổ chức thường xuyên; từng bước có xuất khẩu sách ra nước ngoài, nhưng lại thiếu những tác phẩm lớn, xứng tầm. Sau hơn 30 năm đổi mới, chưa có kịch tác gia nào vượt qua tác giả Lưu Quang Vũ. Đây cũng là điều rất đáng tiếc trong văn học, nghệ thuật; thiếu những những tác phẩm văn học để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Một trong những lý do, đó là những tác phẩm hiện nay đi sâu vào khai thác tình cảm cá nhân, vốn sống hạn hẹp, chưa gắn liền với từng bước phát triển của đất nước...
Các lễ hội truyền thống có tiến bộ trong những năm gần đây, song vẫn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. Về vấn đề công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, hiện đã có nhiều đơn vị làm phim hơn nhưng thiếu những kịch bản hay, thiếu những phim được dàn dựng tốt. Chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng chưa cao. Quản lý di tích, di sản có lúc, có nơi cũng còn bị vi phạm, xâm hại, kể cả những di sản được UNESCO xếp hạng. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa có hiệu quả cao. Ở khía cạnh nào đó, hoạt động này chưa đúng hướng. Cần phải nghiên cứu những vấn đề mới, những hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu và định hướng đúng đắn.
“Những vấn đề đặt ra có phần của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có phần của các cấp, các ngành, trong đó, có ngành Tuyên giáo.” - Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 trong bối cảnh đang chuẩn bị nội dung cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng đây là cơ hội để ngành văn hóa có đề xuất “kép”: vừa đề xuất tiếp tục đẩy mạnh hơn việc thực hiện Nghị quyết 33, vừa kiến nghị để đưa vào Báo cáo Chính trị hoặc Báo cáo Kinh tế - xã hội của Đại hội XIII những vấn đề cụ thể về xây dựng văn hóa và con người để triển khai trong thời gian sắp tới.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Bộ, tích cực cùng Ban Chỉ đạo góp phần hoàn thiện sản phẩm báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sơ kết Nghị quyết 33.
Thu Hằng